Ông Lê Thế Cần, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), cho biết: “Năm 2015, diện tích rừng chúng tôi bàn giao cho dân chăm sóc và bảo vệ là 3.688 ha, số tiền phải chi trả cho các hộ dân là gần 740 triệu đồng. Tháng 6, chúng tôi làm tờ trình xin duyệt kinh phí nhưng tới giữa tháng 9 vẫn chưa được cấp. Chậm trả tiền cho dân, chúng tôi nóng ruột lắm nhưng chưa được trên cấp kinh phí nên đành chịu”.
Đề xuất thu lại rừng giao khoán
Ông Dương Ngọc Hùng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (tỉnh Nghệ An), phân tích: “Hiện khu bảo tồn có trên 10.000 ha rừng giao cho các hộ dân. Tiền trả như hiện nay là quá thấp, không thể gắn trách nhiệm của họ với việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Hạn mức giao rừng hiện tại tối đa 30 ha là chưa hợp lý, cần tăng lên khoảng 50 ha; tiền công chăm sóc, bảo vệ phải ít nhất là 400.000 -500.000 đồng/ha/năm. Như thế, đời sống của người dân được giao rừng mới tạm ổn và họ sẽ yên tâm bảo vệ rừng”.
Cũng với quan điểm, ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu và ông Đặng Xuân Minh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An, đều khẳng định để bảo vệ diện tích rừng còn lại, tốt nhất vẫn là giao rừng cho dân, phải gắn trách nhiệm của người dân bằng cách tăng tiền công. Khi thu nhập từ việc giao rừng ổn định, người dân sẽ không phá rừng, sẽ bảo vệ không cho lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Liên tiếp trong thời gian ngắn, tại tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra các vụ chặt phá rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên. Trong tháng 5, các lực lượng chức năng đã bắt 4 vụ chặt phá rừng quy mô lớn tại các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tương Dương, thu giữ hàng trăm m3 gỗ quý. Tháng 6, “lâm tặc” kéo vào rừng phòng hộ ở huyện Thanh Chương và huyện Con Cuông chặt phá tan hoang hàng chục hécta để lấy gần 80 m3 gỗ. Tháng 7, “lâm tặc” kéo vào vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong) dùng cưa cắt hạ 3 cây sa mu (thuộc nhóm 2A quý hiếm) hàng trăm năm tuổi, khai thác trái phép khoảng 240 m3. Ngày 27-9, Công an huyện Quế Phong bắt giữ một nhóm đối tượng đang vận chuyển trái phép 130 tấm gỗ pơ mu (khoảng 8 m3), được lâm tặc khai thác từ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Được biết, trong những vụ chặt phá rừng quy mô trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua, nhiều nơi là rừng được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ.
Trong năm 2014, Thanh Hóa có 896 vụ phá rừng, 8 tháng đầu năm 2015 hơn 400 vụ, “lâm tặc” không ai khác chính là người dân mà số đông chính là những người sống tại nơi có rừng bị phá. Phần khu vực rừng tự nhiên thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En giao cho UBND xã Xuân Thái (huyện Như Thanh) quản lý từng bị nhiều đối tượng vào đốn hạ nhiều cây gỗ quý tại tiểu khu 622. Kiểm lâm đã điều tra và phát hiện 2 đối tượng trong xã gây ra vụ việc trên. Lợi dụng lúc mưa giông, nhiều người dân thôn Cụt Ặc (xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân) vào khu vực rừng phòng hộ đốn hạ hàng chục cây gỗ lớn rồi thả theo suối tập kết ra bìa rừng. Đó chỉ là những vụ điển hình trong vô số những vụ phá rừng trong vài năm lại đây. Nguyên nhân sâu xa là do người dân ở những khu vực trên không có đất sản xuất, công ăn việc làm thiếu ổn định, khó khăn nên họ phải vào rừng kiếm sống và khi bị phát hiện, nhiều đối tượng đã hung hãn chống lại lực lượng kiểm lâm.
Theo ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các công ty lâm nghiệp có bộ máy, lực lượng và công cụ hỗ trợ nhưng rừng họ giữ vẫn bị phá huống gì rừng giao cho dân. Chưa kể, đời sống của dân khó khăn mà chi trả công giữ rừng còn thấp khiến người dân không mặn mà. “Rừng giao khoán bây giờ đã mất gần hết. Chúng tôi nhiều lần đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp thu lại số rừng giao khoán để xử lý, trồng lại” - ông Thành nói.
Giao nhưng phải hỗ trợ
Buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) có 114 hộ, trong đó hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yók Đôn. Năm 2013, vườn giao khoán 1.100 ha rừng cho cộng đồng buôn cũng với kinh phí 200.000 đồng/ha/năm. Buôn chọn ra 104 hộ tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, số tiền thu được chia đều cho các hộ. Mỗi lần dân đi tuần rừng đều có kiểm lâm đi kèm hỗ trợ. Cùng với chính sách giao rừng, buôn còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng tại vùng đệm rừng đặc dụng. Mỗi năm, còn được vườn hỗ trợ 40 triệu đồng để mua 4 con bò giống giao cho 4 hộ nuôi, bò sinh sản thì người nuôi được giữ lại bò con, chuyển bò mẹ cho người khác.
Ông Bùi Trung Dũng, kiểm lâm trạm Đrăng Phốk (Vườn Quốc gia Yók Đôn), cho biết người dân phải cam kết không tham gia phá rừng. Nếu vi phạm, cả buôn sẽ bị cắt bớt tiền nhận khoán; không vi phạm và có nhiều thành tích trong quản lý, bảo vệ rừng thì được thưởng. Người dân buôn Đrăng Phốk bây giờ coi rừng là của chung vì đã gắn lợi ích của họ ở đó. “Dù rừng đã giao cho dân nhưng phải có hỗ trợ tích cực từ các lực lượng chức năng và làm sao để dân thực sự có lợi ích từ việc bảo vệ rừng thì mới bền vững” - ông Dũng nói.
Tránh việc giao trên giấy
Ông Lê Xuân Cải, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho rằng muốn giữ rừng bền vững cần phải tăng mức chi phí trông coi, mức 200.000 đồng/ha/năm chỉ bằng 3 ngày công lao động bình thường nên nhiều người không mặn mà, có nhận trông coi họ cũng chỉ nhận cho có, không hết mình vì rừng. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Vân, Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, lại cho rằng cần đưa ra biện pháp bảo vệ an ninh rừng tận gốc. Cụ thể là giao đất, giao rừng cho người dân ngoài thực địa, tránh việc giao trên giấy sẽ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Bên cạnh đó, phải gắn việc bảo vệ rừng cho chính quyền địa phương, cần xem việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội chứ không riêng gì của ngành kiểm lâm.
Bình luận (0)