Ngày 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).
“Cơ bản đã bị phá sạch”
Góp ý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Phan Thanh Bình băn khoăn về quy định chuyển từ giao sang cho thuê rừng và làm dịch vụ trong rừng.
“Cho thuê như vậy có dẫn đến chia cắt rừng hay không? Tài nguyên có bị ảnh hưởng không? Thậm chí, bờ biển tỉnh cũng cho thuê thì người dân ở đó sống thế nào?” - ông Bình đặt vấn đề. Theo ông, bảo vệ rừng là nhiệm vụ rất cấp bách, nên giao trách nhiệm cho đích danh chủ tịch tỉnh/huyện chứ không ghi chung chung là “UBND tỉnh hoặc huyện” như trong dự luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, Thượng tướng Võ Trọng Việt, cho biết ông là người từng nhiều năm gắn bó với rừng, rất lo trước tình trạng “tận thu” rừng. “Nói rừng vàng nhưng người dân ở đó nghèo, rất bất công. Rừng ở trên cao nhưng chính sách đầu tư ở dưới thấp. Ta xem lại thì chủ yếu lấy của rừng về chứ đưa lên rừng được bao nhiêu đâu? Lào họ nói câu đơn giản là chặt 5 cây thì trồng 1 cây; còn ta thì bao nhiêu gỗ quý, thú quý, khoáng sản quý bị lấy hết rồi!” - Thượng tướng Việt chua xót.
Nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thẳng thắn: “Ngày xưa nói rừng là vàng, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nhưng giờ thì rừng làm giàu cho lâm tặc. Tôi đi khắp cả nước, thấy rằng về cơ bản, rừng đã bị phá hết rồi. Chúng ta nói mấy chục phần trăm che phủ nhưng đó là rừng trồng mới đây. Có lãnh đạo còn nói là đi nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong “viêm đại tràng” nặng, vì cây quý ở trong bị rút hết”.
Nêu lên thực tế này, ông Việt cho rằng quy định bảo vệ rừng còn chồng chéo, chung chung như hiện nay thì kiểm lâm vẫn lực bất tòng tâm trước lâm tặc. “Từ rừng về thành phố có bao nhiêu trạm kiểm lâm nhưng lâm tặc qua hết. Vụ chặt cây pơ-mu ở Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ phải lên tiếng vì đầu nậu lên kế hoạch vượt mặt hết cơ quan chức năng” - ông dẫn chứng.
Vì thế, theo ông Việt, phải tính cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp hơn, theo hướng cần trao quyền mạnh hơn cho kiểm lâm. “Nếu để lâm tặc lộng hành thì có tội với dân, với đất nước” - ông bày tỏ.
Không phá rừng thì mới giữ được rừng
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân kể khi bà đi công tác bằng máy bay, nhìn xuống thấy toàn đồi trọc. “Đi công tác Lai Châu, tôi thấy có những sườn đồi bà con phá để trồng chuối bán cho thương lái Trung Quốc. Họ sống ở rừng nhưng không có kinh tế rừng, buộc phải phá rừng để trồng những cây có thể sống được. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Luật này ra đời phải giải quyết được vấn đề bảo vệ và phát triển rừng” - bà đề nghị.
Chủ tịch QH gợi ý có thể QH sẽ giám sát về việc trồng rừng và bảo vệ rừng rồi ban hành một nghị quyết, bố trí nguồn lực để trong vòng 5-10 năm tới phải trồng bao nhiêu hecta rừng; xác định trồng chỗ nào và giao cho chính quyền địa phương nơi đó phải có trách nhiệm trồng rừng.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân còn chỉ rõ mức hỗ trợ trồng rừng hằng năm chỉ 300.000 đồng/ha như hiện nay là quá thấp, người dân không mặn mà. “Cần phải có chính sách rõ ràng, người dân ở rừng sống được với rừng, không phá rừng thì mới giữ được rừng” - bà nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, nêu thực tiễn hiện nay, gắn với tập tục sinh hoạt, đồng bào dân tộc rất coi trọng, quý rừng; một số nơi bà con còn duy trì tập tục cúng rừng.
“Những rừng này đồng bào không khai thác mà bảo vệ rất tốt. Chính vì thế, chúng ta cần xem xét, bổ sung chính sách đối với loại rừng mà đồng bào đã bảo vệ theo tín ngưỡng, tập tục, để cư dân ở những vùng rừng như vậy được hưởng chính sách” - ông Chiến đề xuất.
Duyệt dự án phải có kết quả thẩm định công nghệ
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Dự luật quy định “Ưu tiên sử dụng các máy móc, thiết bị mà Việt Nam chế tạo được trong đầu tư mua sắm công”. Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến không ủng hộ, cho rằng như vậy sẽ mâu thuẫn với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Về thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với quy định “dự án đầu tư có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ” là những dự án đầu tư phải thẩm định công nghệ. Theo ủy ban này, kết quả thẩm định công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư…
Bình luận (0)