xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Rừng mất vì thủy điện, ai chịu trách nhiệm?

Nguyễn Quyết

Với 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch chung, các đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là trách nhiệm với diện tích rừng bị mất

Chiều 13-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Nhiều câu hỏi không lời đáp

Làm “nóng” nghị trường về mặt trái của thủy điện, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu (ĐB) QH tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, cho rằng cần xác định rõ diện tích đất rừng bị mất do thủy điện là bao nhiêu, trách nhiệm đó thuộc về ai.

Theo ĐB Trương Văn Vở, rừng tự nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy hoạch quản lý phát triển và bảo vệ rừng. Nói chung là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, vườn quốc gia phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Đụng tới diện tích đất rừng đó thì phải xem xét thận trọng trong quá trình lập quy hoạch.
 
“Lần này, Chính phủ đề nghị loại hơn 400 dự án thủy điện, các dự án thủy điện này có mất rừng hay không, các giải pháp thay thế để cho số diện tích rừng mất đi là như thế nào?... Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ. QH cũng cần quy định rõ trong nghị quyết để xác định trách nhiệm” - ĐB Vở nhấn mạnh.
img
ĐB Trương Văn Vở (đứng) đề nghị làm rõ trách nhiệm khi để mất diện tích rừng rất lớn do thủy điện Ảnh: hoàng Bắc

Tán đồng, ĐB Lê Kiều Vân (Quảng Trị) cho rằng thủy điện nhỏ đóng góp cho phát triển hệ thống điện không lớn nhưng nó gây mất rừng. “Phát triển thủy điện gây bức xúc trong người dân, khi xả lũ gây thiệt hại nhưng đến nay việc đó đúng hay sai? Ai thẩm định thì chưa rõ, trách nhiệm của cá nhân liên quan ra sao? Đề nghị chính phủ xem xét kỹ” - ĐB Lê Kiều Vân đặt vấn đề.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cho rằng thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Do lợi dụng thủy điện để hủy diệt rừng đầu nguồn nên lũ mới tăng bất thường. Thế mà hơn 10 năm khai thác thủy điện “nóng”, các cơ quan chức năng không có biện pháp khắc phục, bắt người dân hạ du hứng chịu khi mưa lũ xảy ra.

Thủ tướng sẽ duyệt các dự án thủy điện

Theo ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP HCM), quy hoạch vận hành khai thác thủy điện còn bất cập, gây bức xúc lớn đối với người dân. ĐB Thiện nói thẳng: “Quy hoạch thủy điện nhỏ quá dễ dãi, chủ quan. Nhà đầu tư không báo cáo đánh giá tác động môi trường, lấn sang diện tích lân cận để khai thác gỗ trái phép. Hiện nay, 40% số đập chưa có phương án phòng chống lũ bão”.

Vấn đề được nhiều ĐB yêu cầu làm rõ chính là việc “hậu thủy điện”. ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái) bức xúc trước thực trạng chất lượng công trình thủy điện đang rất đáng lo ngại nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đúng thực tế. Đó chính là vấn đề đời sống của người dân sau khi nhường đất cho xây dựng thủy điện.
 
Vị ĐB tỉnh Yên Bái này dẫn chứng công trình thủy điện Thác Bà đã được xây dựng hơn 40 năm nay, hơn 50.000 dân đã di chuyển đến nơi tái định cư để nhường gần 20.000 ha đất nhưng đến nay, hơn 10.000 dân vẫn chưa có điện. “Khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri ở đây, đồng bào hỏi rất chua xót, bao giờ thôn bản mình có điện?” - ĐB Bình bày tỏ.

ĐB Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi: “Vì sao hơn 400 dự án thủy điện vừa bị loại lúc trước đánh giá là tốt? Sau khi loại ra rồi lại nói là không tốt? Việc xảy ra nhiều sự cố như vậy nhưng trách nhiệm hiện tại như thế nào? Ai chịu?”...

Giải trình tại QH, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng quy hoạch thủy điện là quy hoạch mang tính đặc thù để có thể định hướng được tiềm năng trong thời gian tới. Đây là quy hoạch động, có thể sửa đổi. Từ năm 2006 trở lại đây, tất cả quy hoạch thủy điện nhỏ đều giao cho địa phương quyết định. 65% dự án thủy điện nhỏ do địa phương phê duyệt, 35% dự án là do Trung ương phê duyệt.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong số 424 dự án thủy điện loại bỏ có nhiều dự án cũng khả thi về kinh tế nhưng không bảo đảm môi trường. Thêm nữa, có nhiều doanh nghiệp đang vận hành dự án nhỏ nhưng gặp khó khăn về kinh tế nên cũng bị loại bỏ.
 
Ông Hoàng cho rằng tổn thất các dự án bị loại bỏ trên (trừ dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A) phần lớn chưa có đầu tư, mất ít chi phí vì chỉ dừng lại ở quy hoạch. “Từ nay trở đi, tất cả dự án thủy điện phải trình Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
 

Đồng thuận chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh

Cùng ngày, QH thảo luận Nghị quyết 38/2004 của QH về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Hầu hết các ĐBQH đồng ý. Theo nghị quyết, tổng chiều dài toàn tuyến 3.183 km; hướng tuyến đi qua 28 tỉnh, thành. Tiêu chuẩn kỹ thuật - mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2-6 làn xe. Đến năm 2015, cơ bản hoàn thành nối thông 2 làn xe từ Pắc Bó đến Đất Mũi ở những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong năm 2020. Nguồn vốn chủ yếu là trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo