Thống kê chưa đầy đủ tính tới hết ngày 17-11 cho thấy trận lũ kinh hoàng đang quét qua miền Trung đã làm ít nhất 34 người chết và mất tích. Lũ lụt đã cô lập nhiều vùng dân cư rộng lớn. Phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới - cũng chìm sâu trong dòng nước lũ mà có nơi ngập sâu tới 3 m. Tuyến giao thông huyết mạch hoàn toàn tê liệt do bị nước lũ cắt đứt…
Theo các cơ quan hữu trách ở Trung ương, trận lũ lịch sử hiện nay ở miền Trung là do mưa quá lớn lại diễn ra trong thời gian ngắn. Trong đó có những nơi mưa tới 500-600 mm chỉ trong 1 ngày. Tóm lại, theo như các cơ quan có trách nhiệm thì lũ lịch sử là do… ông trời, chứ hoàn toàn không phải do thủy điện xả lũ góp phần khiến lũ lụt thêm nặng nề.
Thế nhưng, nếu nhìn lại lịch sử có thể thấy trận lũ kinh hoàng hiện nay không hẳn chỉ là do mưa lớn. Cách đây hơn 1 thập kỷ, miền Trung cũng phải hứng chịu một trận lũ khủng khiếp vào năm 1999. Những cơn mưa như trút trong 2 ngày 2 và 3-11-1999 đã tạo ra lượng mưa kỷ lục 1.384 mm ở Huế, lượng mưa được cho đứng thứ 2 thế giới trong lịch sử sau lượng mưa lớn chưa từng thấy 1.870 mm đo được tại Cilaos trên đảo Reunion (Pháp).
Nói cách khác, chưa phải mưa kỷ lục song miền Trung lại đang phải gánh chịu một trận lũ lớn nhất từ trước tới nay. Điều đáng nói là trong khi các cơ quan hữu trách ở trung ương khẳng định lũ lịch sử không có sự “tiếp tay” của thủy điện song các địa phương, trong đó có Bình Định, lại cho rằng thủy điện bất ngờ xả lũ ồ ạt làm nước dâng nhanh khiến người dân không kịp trở tay.
Chưa có kết luận chính thức “nhân tai” thủy điện đã khiến lũ lụt hiện nay ở miền Trung thêm nặng nề song nhìn sâu xa có thể thấy rằng thủy điện không thể vô can. Do đặc điểm sông suối dày lại có độ dốc lớn nên miền Trung từ lâu được xem là mảnh đất màu mỡ để thủy điện mọc lên như nấm. Thứ nấm tai hại với môi trường mọc lên cũng đồng nghĩa với việc rừng bị chặt phá, bóc trần. Không còn thảm thực vật che phủ, giữ nước chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến mưa xuống bao nhiêu lập tức ào ào đổ về xuôi khiến lũ dâng lên nhanh kỷ lục.
Với trách nhiệm “tư lệnh” lĩnh vực đã được Quốc hội và Chính phủ giao phó, Bộ Công Thương và người đứng đầu bộ này không thể thoái thác trách nhiệm khi để “nhân tai” thủy điện hoành hành, giáng tai họa trong trận lũ lịch sử hiện nay cũng như các đợt lũ lụt lớn vừa qua và có thể là sắp tới ở miền Trung.
Bình luận (0)