Phóng viên: Ông có thể cho biết tình trạng phá rừng tự nhiên trong những năm gần đây, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2017?
- Ông Nguyễn Quốc Trị: Trong những năm gần đây, công tác quản lý bảo vệ rừng có những chuyển biến tích cực. Năm 2015, rừng tự nhiên cả nước tăng từ hơn 10,1 triệu ha lên khoảng 10,2 triệu ha vào năm 2016 (tăng 66.622 ha, tương đương tăng 0,65% diện tích rừng tự nhiên, do diện tích rừng bảo vệ khoanh nuôi phục hồi tự nhiên thành rừng).
Tình hình phá rừng trái pháp luật được ngăn chặn và xử lý nghiêm, cả số vụ vi phạm và diện tích rừng thiệt hại đều giảm dần qua các năm. Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cả nước, số vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016; diện tích rừng bị phá giảm hơn 18% so với năm 2016.
Các văn bản của Cục Kiểm lâm yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh kiểm tra vụ việc mà báo đã phản ánh, báo cáo trước ngày 6-7
Qua loạt bài "Rừng vẫn "chảy máu" sau lệnh đóng cửa" của Báo Người Lao Động, ông đánh giá như thế nào về thực trạng phá rừng ở các địa phương được phản ánh? Bộ sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Chúng tôi đã xem xét thông tin phản ánh của Báo Người Lao Động ra các số ngày 26-6-2017 có nêu về khai thác gỗ tại xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; số ngày 27-6 phản ánh về phá rừng tại Sơn Tinh, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi; số ngày 28-6 có bài "Rừng như vô chủ" phản ánh tình trạng phá rừng tại thôn Tôn K’Long, xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng; số ngày 29-6 có bài "Ngang nhiên mua bán đất rừng" phản ánh tại tỉnh Đắk Nông. Sau đó, lãnh đạo Cục Kiểm lâm lập tức có 2 văn bản chỉ đạo gửi Chi cục Kiểm lâm vùng II, vùng IV, yêu cầu phối hợp với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đắk Nông khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc mà báo đã phản ánh.
Nếu sự việc đúng như phản ánh của báo, Cục Kiểm lâm yêu cầu các đơn vị có liên quan xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu các Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục Kiểm lâm các địa phương để xảy ra phá rừng như báo phản ánh, phải báo cáo kết quả về Cục Kiểm lâm trước ngày 6-7.
Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, trong công tác tuyên truyền tới đông đảo người dân và các chủ rừng đồng tình ủng hộ cùng các lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp bảo vệ rừng có hiệu quả; đồng thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhiều nguyên nhân dẫn đến mất rừng; trong đó có việc phân công, phân trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa thể hiện rõ; đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và chủ rừng. Quan điểm của ông về việc này?
- Việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp được quy định tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.
Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương, UBND tỉnh đã ban hành quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền các cấp: huyện, xã và chủ rừng. Do vậy, diện tích rừng tại các địa phương đã xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp có thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị và chủ rừng, góp phần ngăn chặn những hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp, tạo điều kiện để mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, triển khai việc phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã, còn chậm... Trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chỉ đạo và tăng cường phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở đặc biệt cấp xã về quản lý bảo vệ rừng.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc đóng cửa rừng tự nhiên, lâm tặc ngày càng hung hãn, có sự tiếp tay, buông lỏng của kiểm lâm, thậm chí doanh nghiệp quản lý rừng cũng phá rừng. Bộ NN-PTNT sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này?
- Hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Đảng và nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát. Nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển rừng đã được triển khai từ trung ương đến địa phương. Các tổ chức, cá nhân vi phạm được điều tra làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT để phối hợp các bộ, ngành và các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27-9-2011 của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Thực hiện nghiêm tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng".
Bộ NN-PTNT đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư.
Bình luận (0)