Rượu ngâm được nhiều người coi là thần dược có khả năng tráng dương tăng lực, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, trên thực tế đã có không ít người thập tử nhất sinh vì rượu tự chế.
Suýt chết vì 3 giọt mật cá
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện (BV) Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do uống mật cá trắm. Bệnh nhân này là ông H.V.N (55 tuổi, quê Hà Nam) nhập viện trong tình trạng hoa mắt, buồn nôn, suy thận nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Theo người nhà ông N., sau khi gia đình làm thịt một con cá trắm 3 kg, ông N. lấy 3 giọt mật cá pha với rượu để uống vì nghe có thể chữa được nhiều bệnh, nhất là tăng cường sự dẻo dai trong “chuyện ấy”. Tối cùng ngày, ông N. sửa soạn giường chiếu, lấy khí thế chuẩn bị “chiến đấu” để khảo nghiệm “bản lĩnh đàn ông” thì bỗng dưng thấy buồn nôn, khó tiểu nên đành bỏ ý định. Cầm cự được 2 ngày, sức khỏe ông N. càng sa sút, đau bụng dữ dội, choáng váng nên gia đình đưa đến BV cấp cứu. Tại đây, ông được chẩn đoán bị ngộ độc mật cá trắm, gan tổn thương nặng, suy thận.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, cho biết trước đây, năm nào BV cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp bị ngộ độc do nuốt mật cá trắm. Có lần vào dịp Tết, trung tâm tiếp nhận đến 4 ca ngộ độc mật cá trắm. Theo các bệnh nhân, vì muốn tăng cường sức khỏe sinh lý nên đã dùng mật của nhiều con vật để ngâm rượu uống.
BV Bạch Mai cũng từng cấp cứu một người đàn ông tên Nh. (40 tuổi, ngụ Thái Nguyên) bị ngộ độc mật heo. Bệnh nhân này cho biết nghe mọi người rỉ tai về loại “thần dược” giúp bổ dương, tiêu hóa tốt là… mật heo nên khi gia đình mổ heo ăn Tết liền xí phần bóng mật ngâm rượu. Sau một tuần chờ rượu ngấm, ông mang “thần dược” ra uống thử. Vừa uống được 2 ly, chưa thấy “bản lĩnh đàn ông” được tăng thêm nhưng ông Nh. đã gặp ngay cơn đau bụng, tiêu chảy, choáng váng phải nhập viện.
Sơ sẩy là mất mạng
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, có một thực tế là người dân cứ nghe đồn con gì, cây gì lạ, bổ, nhất là an thần, bổ dương là cho vào ngâm rượu. Nhiều người thích uống rượu ngâm các loại cây cỏ hay mật gấu, rắn… với quan niệm rượu ngâm “không bổ dọc cũng bổ ngang”. Thế nhưng, đã có không ít người mất mạng sau một vài chén “rượu bổ” ấy.
Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu cho biết họ ngâm thuốc với “rượu thửa” - loại rượu được đặt từ những người quen biết - nhưng thuốc lại được mua từ những người bán trôi nổi của các thầy lang “nổ” với công dụng “có một không hai”. “Nhiều trường hợp phải vào BV cấp cứu vì ngộ độc rượu thuốc do mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc hoặc uống các loại rượu thuốc ngâm theo lời đồn thổi” - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo rất nhiều loại hạt, củ hoặc bộ phận của động vật cực kỳ độc, uống vào nguy cơ tử vong rất cao nhưng không ít người chủ quan mang ngâm rượu. Ví dụ như hạt mã tiền hay củ ấu tàu đều là những loại rất độc nhưng có một số người cho rằng độc có thể trị độc nên biến tấu bằng cách gia giảm, thêm các vị thuốc để ngâm rượu uống chữa bệnh. Kết quả là bệnh không khỏi mà có thể bị ung thư gan, xơ gan, thậm chí mất mạng vì không được cấp cứu kịp thời.
Trên thực tế, để có “sức mạnh đàn ông”, nhiều quý ông không ngại bỏ công sức và tiền của săn lùng bằng được những bình rượu ngâm các loại động vật quý hiếm như tay hổ, tay gấu, cao hổ, cao gấu, bìm bịp, cao ngựa, nhung hươu... Bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, khẳng định quan niệm “uống gì bổ nấy” hoàn toàn sai lầm, phi khoa học. Chưa có một nghiên cứu khoa học tổng thể chứng minh rượu ngâm các loài động vật quý hiếm lại có tác dụng bổ thận tráng dương. Thực tế, rượu ngâm với một số loài động vật không thể phân hủy vào trong rượu, rất mất vệ sinh. Nhiều trường hợp bị ngộ độc như viêm gan cấp, dị ứng, vàng da hoặc nhiễm sán, ký sinh trùng lên não vì uống rượu ngâm mật, ngâm tiết động vật.
Theo bác sĩ Duệ, ông từng phải điều trị nhiều bệnh nhân uống rượu ngâm mật gấu. Với quan niệm sai lầm rằng mật gấu chữa được bách bệnh, nhất là có khả năng tăng cường sinh lý nên năm nào cũng có hàng chục người nhập viện cấp cứu vì nhiễm độc do uống rượu mật gấu. Có người uống quá nhiều nên bị suy gan, suy thận cấp phải lọc máu nhiều ngày mới thoát nạn. Ngộ độc nhẹ thì mất kiểm soát, dẫn tới rối loạn hành vi. Nặng hơn thì bị hôn mê sâu, trụy mạch với nhiều biến chứng nguy hiểm như hạ đường máu, nhiễm toan, rối loạn nước điện giải, viêm gan, viêm thận và tử vong.
Kiểm tra, tiêu hủy rượu không nguồn gốc
Sáng 3-3, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Trần Văn Chung, Trưởng đoàn kiểm tra, cho biết với những cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan tới sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ tiêu hủy.
Liên quan đến vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, TP đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất kinh doanh rượu, xử lý nghiêm việc kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. Các cơ quan liên quan lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng.
D.Thu
Kỳ tới: Con gì, cây gì cũng ngâm
Bình luận (0)