Hành vi lừa đảo vé máy bay đang tái diễn khi mùa bay cao điểm Tết đang cận kề. Đáng lưu ý là năm nay, tải trọng cung ứng của các hãng hàng không nội địa tăng khoảng 20% so với năm trước, tình trạng cháy vé không còn diễn ra trên các đường bay chính nhưng những kẻ lừa đảo vẫn có đất sống.
Ra tới sân bay mới biết bị lừa
Phương thức lừa đảo mới vừa xuất hiện là những kẻ lừa đảo bán vé cho hành khách rồi làm thủ tục hoàn vé để chiếm đoạt tiền. Là nạn nhân của chiêu trò này, Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) vừa lên tiếng cảnh báo không nên mua vé theo những lời chào mời qua các trang mạng xã hội hoặc các website có thông tin quảng cáo quá khác biệt, hấp dẫn kiểu như “giá rẻ nhất”, “lúc nào cũng có chỗ”…
Cụ thể là khi mua vé, hành khách được yêu cầu xác nhận chuyến bay mong muốn bằng email. Sau đó, đối tượng sẽ trực tiếp giao dịch với hệ thống bán của VNA để mua vé theo đúng thông tin hành khách cung cấp rồi gửi cho khách code (mã) đặt chỗ cùng với tổng số tiền phải thanh toán. Giá vé được thông báo thường có mức cao hơn so với mức đã thỏa thuận (vì vé rao trên mạng là giá rẻ để câu khách). Đây là giao dịch đúng quy định nên hành khách có thể gọi điện đến tổng đài bán vé của VNA để xác nhận lại thông tin về tên tuổi của mình và hành trình chuyến bay.
Lúc này, đối tượng tự trả tiền vé cho VNA gửi lại email xác thực số vé, hành trình nhận được từ hệ thống VNA đến khách hàng. Sau khi giao vé và nhận tiền từ khách, các đối tượng làm thủ tục trả vé để được hoàn tiền. Kết quả là chiếc vé của hành khách đang cầm không còn giá trị. Không ít hành khách ra đến sân bay mới biết vé đã bị hủy.
VNA cho biết đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng ở Nga bị lừa khi mua vé máy bay. Cụ thể, trên diễn đàn của trang web http://forum.awd.ru/, một số thành viên quảng cáo giảm giá vé của VNA tới 30% và hướng dẫn khách hàng lên website của VNA tìm kiếm hành trình, giá vé và hoàn tất giao dịch qua địa chỉ vietnamairlines@hushmail.com. Khi khách hàng chuyển tiền thanh toán, các thành viên này sẽ mua vé cho khách qua website của VNA rồi chuyển thông tin vé cho khách.
Hiện đã có gần 20 khách hàng đăng ký mua vé máy bay của VNA qua diễn đàn này nhưng khi kiểm tra thông tin tại ngân hàng thì được biết các giao dịch này được thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế và là thẻ giả mạo. Do đó, dù là vé thật nhưng được thanh toán bằng tài khoản ăn cắp nên không có giá trị.
Hành khách cũng giả
Trước đây, ngành hàng không quy định không được sang nhượng, đổi tên trên vé, trừ trường hợp bất khả kháng. Quy định này được cho là quá ngặt nghèo, đặc biệt là với hãng hàng không giá rẻ vì chính sách của họ là không hoàn, hủy vé. Do đó, VietJet Air (VJA) và Jetstar Pacific đã áp dụng chính sách cho phép hành khách đổi tên. Điều kiện vừa nới ra, lập tức trên thị trường đã được bổ sung chiêu lừa đảo tương ứng.
Đại diện VJA cho biết giá vé Tết Giáp Ngọ 2014 của hãng đang có mức phổ biến là 2,975-3,173 triệu đồng/vé/lượt chặng
TP HCM - Hà Nội nhưng trên mạng, có những đối tượng đang chào bán chỉ 1,2-1,5 triệu đồng/vé/lượt. Với 1 chiếc vé này, đối tượng có thể bán cho cả chục người. Đó là vé thật, chỉ cần đổi tên là có thể bán được cho người khác với mức phí mỗi lần đổi tên là 275.000 đồng cho chặng bay nội địa, điều kiện là thực hiện trước 3 giờ so với giờ khởi hành.
Hình thức lừa đảo vé máy bay giá rẻ khác là khách đến tận nơi có trưng biển đại lý của VJA để mua vé. Nhân viên bán vé nhận tiền, giao vé cho khách với thông tin đầy đủ về chuyến bay, code đặt chỗ, tổng số tiền thanh toán… nhưng thực chất đó chỉ là thông tin về mã đặt chỗ, nhân viên bán vé tự copy (sao chép) ra bản Word rồi tự điền thêm các thông tin khác giống như một tấm vé thật. Trò lừa này xuất phát từ chính sách của các hãng giá rẻ cho phép thanh toán trong vòng 24 giờ kể từ khi đặt chỗ nên đại lý đặt vé cho khách nhưng không trả tiền thanh toán. VJA đã khuyến cáo hành khách cần kiểm tra thông tin vé máy bay qua tổng đài 19001886 hoặc website vietjetair.com.
Đáng lo ngại là hiện nay, không chỉ có vé giả mà hành khách đi máy bay cũng là giả mạo. Ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng Phòng An ninh - Cục Hàng không Việt Nam, cho biết năm 2013 đã rộ lên hiện tượng khách đi máy bay bằng giấy xác nhận nhân thân giả mạo. Theo đó, vé mang tên một người khác, người sử dụng vé xin giấy xác nhận nhân thân của chính quyền địa phương theo tên ghi trên vé nhưng dán ảnh của mình vào để được bay. Thông thường những người này tự mua vé rẻ trên mạng hoặc có sự tiếp tay, tư vấn của đại lý vé máy bay.
Cục Hàng không Việt Nam đang phối hợp với cơ quan công an xác minh hàng chục vụ vi phạm theo hình thức này để có giải pháp ngăn chặn vì việc này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn de dọa đến an ninh hàng không khi có nguy cơ không kiểm soát đúng người lên máy bay.
Hành khách tự lo!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Jetstar Pacific cho biết trong hệ thống phân phối vé máy bay, hãng hàng không chỉ có hợp đồng ràng buộc với đại lý chính thức hay còn gọi là cấp 1. Đại lý này được cấp mã đăng nhập, tài khoản và một vài user name để thực hiện bán vé và thanh toán tiền cho hãng. Mọi giao dịch xuất vé, hoàn vé đều được lưu lại trong hệ thống để hãng hàng không làm căn cứ giải quyết khiếu nại. Nhưng trong thực tế, các đại lý có thể mở thêm các điểm bán khác, gọi là đại lý cấp 2, thậm chí là cấp 3, nếu không quản lý chặt chẽ có thể là kẽ hở cho các hành vi lừa đảo.
Còn các hình thức mua vé của tổ chức, cá nhân rao bán trên mạng hoặc của đại lý không rõ nguồn gốc thì không có cơ sở để giải quyết vì thông thường sau khi “đánh quả”, các đại lý hoặc tổ chức cá nhân này sẽ bặt vô âm tín.
Khuyến cáo chung của các hãng hàng không là hành khách nên tự mua vé, không nhờ người khác mua hoặc mua vé rẻ rao bán trên mạng.
Nếu mua vé trực tiếp, nên đến các đại lý chính thức (được công bố trên website của các hãng hàng không). Khi đã xuất vé, cần kiểm tra điều kiện của vé và yêu cầu nơi bán vé cung cấp hóa đơn.
Nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng, cần xác thực thẻ tại phòng vé gần nhất hoặc sân bay.
Bình luận (0)