Nhiều người đã từng chứng minh, nếu muốn biết vùng đất đó xấu tốt thế nào thì cứ đến chợ. Cái chợ sẽ là nơi bày ra tất thảy mọi thứ người ta cần hiểu.
Nghe lời khuyên của các “tiền nhân” lên Sài Gòn vài bữa là tôi đã tìm ra chợ. Cuộc sống không dư dả mấy nên những ngôi chợ tôi tìm đến xung quanh các khu nhà trọ tôi cư ngụ đều là chợ hẻm.
Không mát rượi, sạch bóng hay hàng hoá được sắp xếp ngăn nắp, chợ hẻm giữa lòng phố Sài Gòn đôi khi luộm thuộm, nhưng đầy ắp tình người. Ở đó, ai cũng có thể mua thiếu một ký cà chua, xin thêm nhúm hành sẻ, ớt chỉ thiên… Và đôi khi, còn học được vài kinh nghiệm sống thật hay, thắm đẫm nhơn tình.
Chợ hẻm Sài Gòn tuy nghèo, tuy luộm thuộm nhưng luôn thắm đẫm tình người nếu bạn là người năng đến chợ để tìm hiểu và chứng kiến - Ảnh: minh họa
Chuyện đầu tiên tôi muốn kể liên quan đến dì Bảy ở chợ hẻm trên đường Bùi Minh Trực, quận 8. Dì Bảy cho hay, gần mười năm thức khuya dậy sớm – ngồi chợ hẻm – dì có vài khách mối “ngộ lắm”. Có bà vốn là dân “tây học”, thường xài giấy 500.000 đồng, nhưng thích kỳ kèo trả giá từng ngàn lẻ. Dì từng cứu thằng út cưng con bà, một “bàn thua ngó thấy”. Cậu ấm này, thường bị ho “muốn rách cuống họng”, mỗi khi trái gió trở trời. Bà “tây học” liền đưa đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng hông dứt hẳn.
Thấy vậy, tuy ghét bà "Tây học” kỳ kèo từng đồng nhưng dì Bảy vẫn về nhổ cho mớ thuốc nam sau gò cho thằng nhỏ con bà “Tây học”. Mớ thuốc của dì Bảy cho thằng nhỏ uống gồm ba nắm cây chó đẻ tươi (giã ra, pha nước ấm với ít muối) với rơ lưỡi bằng nước cốt cây cỏ mực. Uống vài lần thằng nhỏ đã “bớt tám còn hai”. Bài thuốc dân gian này, do má dì Bảy truyền lại, nay dì “lì xì” bà “Tây học”.
Đáp lễ, bà “Tây học” tặng dì Bảy và các tiểu thương chợ hẻm một tủ thuốc y tế mini bọc khung inox rất sang trọng, chứa gần chục vật dụng thông dụng: bông băng, băng keo, kéo nhỏ, cồn, dầu gió… Từ đó, bà “Tây học” bỗng dưng trở thành cư dân của chợ với rất nhiều công việc nghĩa tình liên quan đến việc xin học, xin việc của con em tiểu thương chợ hẻm.
Câu chuyện chị Phạm Thị Hường, bán rau dại chỗ đầu ngõ vô chợ Hoà Bình, quận 5, bị “đánh ghen” đã cho tôi thấy rõ cái tình người ở chợ hẻm Sài Gòn.
Số là, hồi năm 2010 có một anh khách vốn là chủ một quán ăn ở quận 1, chịu cảnh gà trống nuôi đứa con gái 12 tuổi, có cảm tình với chị.
Chị định lựa ngày lành tháng tốt dẫn chàng về quê Vĩnh Long ra mắt song thân. Bỗng, giông gió nổi lên giữa mùa hạn: bà vợ lớn lù lù xuất hiện đánh ghen… Xấu hổ vô cùng, bỏ bán cả tuần. Và trong cả tuần đó, ngày nào các tiểu thương chợ hẻm cũng đến nhà khuyên lơn, khi thì cô Ba, lúc thì dì Sáu. Thấm những lời khuyên đầy tình nghĩa của chị em vốn là người dưng trong chợ mà chị Hường đã gượng dậy được. Giờ cái chợ hẻm đã thực sự là quê hương thứ hai của chị Hường với đầy ắp “bà con”.
Còn, còn nhiều lắm những câu chuyện đầy tình người ở chợ hẻm Sài Gòn mà tôi chứng kiến. Nào là nghĩa cử cao đẹp của các tiểu thương với nhau trong chợ hẻm đường Đặng Văn Ngữ, phường 14, quận Phú Nhuận, sẵn sàng đổi chè lấy thịt, đổi cá lấy rau với nhau những khi trời mưa, chợ ế. Nào là chuyện sẵn sàng cho hẳn một cục thịt bò tươi rói cùng 500.000 đồng của cô Hai chợ hẻm Võ Thành Trang, để người cha mù nghèo cư ngụ trong xóm kịp có cái ăn chiều, sau khi đứa con gái 12 tuổi vừa bị bọn xấu lừa mất hơn 50 tờ vé số.,...
Thương lắm, quý lắm cái tình người trong chợ hẻm Sài Gòn.
Bình luận (0)