Câu nói “Sài Gòn đáng sống, đáng hy sinh ha bạn!” của anh bạn đồng nghiệp ở báo Thế Giới Tiếp Thị, sau gần hai tuần theo dõi những bài viết trong chuyên mục “Sài Gòn bao dung” trên Người Lao Động Online, cùng với hàng trăm phản hồi từ bạn đọc, đã thực sự làm những người tổ chức chuyên mục này thêm một lần nữa tin rằng: Sài Gòn là nơi đáng để mình sống, để hy vọng, để hy sinh, để bênh vực,.. nhằm làm cho Sài Gòn ngày càng... là Sài Gòn trong mắt du khách.
Chuyện gì diễn ra cũng có gốc rễ của nó. Chuyên mục “Sài Gòn bao dung” cũng vậy.
Bắt đầu từ bài viết của bạn đọc Song Ngọc “Người Sài Gòn là như thế sao?” với đoạn viết “Ngày trước tôi có chút tự hào mình là người Sài Gòn, về nhiều cái nhất của thành phố này trong đó có cả tính hào sảng, hay giúp đỡ người khác, một trong những đặc trưng của dân Nam bộ. Còn bây giờ tôi thấy áy ngại thay hình ảnh và văn hóa của người dân Sài Gòn”.
Những nhận xét mang tính cá nhân trên của bạn Song Ngọc đã thực sự “gây sốc” cho nhiều bạn đọc. Từ đây, hàng loạt bài viết phản hồi tràn về “bênh vực” người Sài Gòn. Chuyên mục “Sài Gòn bao dung” ra đời từ đó. Theo chân, hàng loạt các gương mặt con người Sài Gòn hiền hòa, hào sảng, từ tâm,... được bạn đọc lôi ra “ánh sáng” để mọi người cùng ‘chiêm ngưỡng”, cùng tự hào “ừ mình là dân Sài Gòn mà”.
Người Sài Gòn luôn rộng lòng bao dung, kể cá đối với chim muông, huống chi con người
Đơn cử, bạn đọc Anh Lê đã viết “Nếu tác giả Song Ngọc chứng kiến cảnh mà tôi hàng ngày chứng kiến sẽ bớt đi phần nào tâm tư trong lòng. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng, ngay khoảnh sân của ngôi nhà nằm ngay góc ngã ba Bàu Cát 2-Trương Công Định (phường 14, quận Tân Bình) cũng xuất hiện đàn chim sẻ, bồ câu cả trăm con đua nhau xuống “đánh chén”. Người thếch đãi bầy chim không ai khác là chủ nhân ngôi nhà. Lý do ư? Tại họ là dân Sài Gòn luôn rộng lòng bao dung, kể cá đối với chim muông huống chi con người”.
Hay bạn đọc Thu Thủy đã phải cảm thán: “Đừng nghĩ rằng mở toang cửa nhà như ở dưới quê mới là phóng khoáng, cởi mở. Người Sài Gòn luôn rộng mở tấm lòng và giúp người khác theo cách này hay cách khác mà thôi”.
Hoặc bạn đọc Giang Trường miêu tả tâm trạng của một phụ nữ sống ở Sài Gòn cứ vô tư làm từ thiện mặc có những sự vụ người khác cho rằng bà bị lừa với đoạn viết: “Thế đấy, người phụ nữ 70 tuổi dân Sài Gòn chính gốc giờ đây vẫn cứ lấy cái tâm làm từ thiện, mặc những lời bàn tán của không ít người rằng bà "hâm", ngớ ngẩn”.
Nhiều, nhiều lắm những cái hay, cái tốt, cái đẹp, cái hào sảng,...của người Sài Gòn, tôi đảm bảo không ai kể hết được.
Sài Gòn đang ôm trong lòng hàng vạn người nghèo ở bệnh viện từ Nhi Đồng cho đến Ung Bướu,... với hàng ngàn suất cơm, suất cháo từ thiện ba buổi sáng, trưa, chiều
Ngay như lúc này, khi ngồi viết bài tổng kết về chuyên mục “Sài Gòn bao dung” xung quanh tôi vẫn còn tràn ngập những địa chỉ chỉ dẫn của bạn đọc để thấy Sài Gòn bao dung, thân thiện đến nhường nào.
Nào là Sài Gòn đang ôm trong lòng hàng vạn người nghèo ở bệnh viện từ Nhi Đồng cho đến Ung Bướu,... với hàng ngàn suất cơm, suất cháo từ thiện ba buổi sáng, trưa, chiều. Ở đó, người Sài Gòn không bao giờ ‘giành” những suất ăn của người nghèo tỉnh lẻ.
Nào là giờ đây, hàng ngàn sinh viên Sài Gòn đang chạy đôn, chạy đáo chuẩn bị đón tiếp, giúp đỡ các tân sinh viên ở tỉnh lên nhập học khi năm học mới sắp đánh tiếng trống đầu tiên trong ngày khai trường.
Sinh viên Sài Gòn đang chạy đôn, chạy đáo chuẩn bị đón tiếp, giúp đỡ các tân sinh viên ở tỉnh lên nhập học
Nào là, những ông chủ đại lý vé số “giàu sụ” đang lo sửa lại những “mái nhà chung” của người bán vé số nghèo, tỉnh lẻ, đơn thân vào Sài Gòn mưu sinh khi mùa mưa bão đang vào cao điểm, ...
Sài Gòn như thế mà không bao dung thì là gì hả bạn?!
Nói đi thì cũng phải nói lại, ở đây chúng ta cũng cần phải thấy rõ nỗi lòng của bạn Song Ngọc, khi bạn Song Ngọc thấy ngày nay ở Sài Gòn cứ cách ra xíu là lại có đánh nhau, thấy người bị nạn làm ngơ. Đúng, đây cũng là một hiện tượng đáng lo nhưng tôi tin nó không phổ quát so với hàng vạn gương mặt người Sài Gòn hiền lành, từ tâm, trọng lễ nghĩa mà thông qua Người lao Động Online các bạn đã giới thiệu.
Theo đó, để nỗi lo của bạn đọc Song Ngọc không dần thành hiện thực, thì mong rằng, tôi - bạn - các cô bác - anh chị - những người đang được gọi là người Sài Gòn (dù đến vùng đất này sớm hay muộn) hãy cùng nhau chung tay xây dựng “hình ảnh người Sài Gòn”, chớ đừng hô hào rồi ngó lơ cho cái xấu hoành hành. Như vậy, nỗi lo của bạn Song Ngọc sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, hình ảnh người Sài Gòn mãi đẹp, mãi xinh dù có hơi đỏng đảnh đôi chút.
Vậy bạn nhé!
Bình luận (0)