“Giao cấu” nghĩa là “giống đực giống cái lấy nhau”. Đó là cách giảng của “Từ điển tiếng Việt”, tác giả Khang Việt (NXB Thanh Niên, 2016)!
Sao chép, cắt nghĩa bậy
Ngoài bìa, phía trên cùng, sách không ghi tên tác giả mà có 2 dòng chữ: “KHOA HỌC - XÃ HỘI - NHÂN VĂN; NGÔN NGỮ VIỆT NAM” khiến độc giả lầm tưởng từ điển của “VIỆN NGÔN NGỮ HỌC” hoặc “TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN”(!). Phía dưới tên sách là những thông tin hấp dẫn: “Giải thích rõ ràng”, “Cập nhật nhiều từ mới”, “Tiện lợi để tra cứu”, “370.000 từ”. Với khuôn khổ 10 cm x 18 cm, 1.006 trang mà chứa tới 370.000 từ thì thật là kinh khủng. Kể cả đếm từng chữ trong cuốn sách chưa chắc đã đạt được số lượng như vậy (!!!).
Đáng chú ý, phần thông tin ở bìa 3 cuốn sách cho thấy tên tác giả Khang Việt cũng là tên của “Đơn vị liên kết và tổng phát hành Công ty TNHH MTV Dịch vụ văn hóa Khang Việt”. Từ đây, người ta nghi ngờ chính công ty này đứng ra biên soạn từ điển!?
Sau đây, chúng ta thử xem “Từ điển tiếng Việt” của tác giả Khang Việt và NXB Thanh Niên “giải thích rõ ràng” và “cập nhật nhiều từ mới” như thế nào:
- “á khôi: Như á nguyên”; mục “á nguyên: Người đỗ thứ hai trong một khoa thi thời phong kiến (thường nói về thi hương)”.
Nghĩa của “á nguyên” là sao chép (copy) nguyên xi từ “Từ điển tiếng Việt” của Trung tâm Từ điển học (Vietlex). Mặt khác, vì sách “xào xáo” nội dung nên tác giả Khang Việt đã bỏ đi nghĩa thứ hai của “á khôi” theo cách hiểu hiện nay, như Vietlex đã giảng: “á khôi 亞魁 d. 1 - [cũ] như á nguyên. 2 - người con gái chiếm giải nhì trong một cuộc thi người đẹp”.
- “động lòng (đgt): Rung chuyển trong lòng”.
Một kiểu giải nghĩa rất khó chấp nhận! Bởi “động” 動 ở đây nghĩa là “cảm động, xúc động” chứ không phải “động” hiểu theo nghĩa là “rung chuyển”, “chuyển động”. Vietlex: “động lòng đg. 1 - cảm thấy thương xót: động lòng thương ~ động lòng trắc ẩn. Đn: động tâm. 2 - cảm thấy bị chạm đến lòng tự ái. Đn: chạnh lòng”.
- “bệnh hoạn: 1 - trạng thái bị đau ốm bệnh tật (nói khái quát). 2 - Đau ốm, không khỏe mạnh: tư tưởng bệnh hoạn”.
Nghĩa 1 là sao chép của Vietlex; còn nghĩa 2, tác giả “xào xáo” cho khác đi nhưng nó chẳng khác gì nghĩa 1. Vietlex: “bệnh hoạn > 病患 I d. [id] trạng thái bị đau ốm, bệnh tật [nói khái quát]. Đn: bệnh tật, tật bệnh. > 病患 II t. 1 - ở trạng thái có bệnh thường kéo dài. 2 [tư tưởng, tình cảm] không được bình thường, không lành mạnh”.
- “bói toán (đgt): Xem bói bằng phương pháp toán học”.
“Toán” 算 có một nghĩa là phép tính (như toán học 算學) nhưng “toán” 算 trong “bói toán” lại có nghĩa là đoán định, lường trước sự việc gì (như: toán mệnh 算命 = đoán vận mệnh)... Còn “bói” vốn là chữ “bốc”卜nghĩa là dự đoán (như “định bốc” 定卜 = đoán định); “Bói toán” chỉ việc đoán định vận mệnh, số mệnh nói chung, đúng như Vietlex giải nghĩa: “bói toán đg: bói vận số [nói khái quát]: thuật bói toán ~ hành nghề bói toán”.
- “làm dâu (đgt): Lấy chồng ở chung nhà với cha mẹ chồng”.
Vậy, con gái lấy chồng nhưng không ở chung với cha mẹ chồng thì coi như không có trách nhiệm gì với gia đình bên chồng, không thể “làm dâu”, không được “làm dâu” (bằng cách quan tâm đi lại, thăm hỏi, chăm sóc... bố mẹ, gia đình họ hàng bên chồng) hay sao?
“Giao cấu” = “lấy nhau”!?
- “giao phối: Như giao hôn”; mục “giao hôn” giảng là “nh. kết hôn”; mục “kết hôn” lại ghi chú “nh. kết duyên”; mục “kết duyên” giảng: “dt. lấy nhau làm vợ làm chồng”.
Theo đây, cách giảng của tác giả Khang Việt tuy có lòng vòng nhưng cuối cùng “giao phối” có nghĩa là “lấy nhau làm vợ làm chồng”, chẳng khác nào cái sai của Nhóm Kim Danh - Ngọc Hằng khi giảng: “giao phối (đt) kết hôn” (“Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh - sinh viên”, NXB Thanh Niên, 2016).
“Tác giả” Khang Việt còn một cái sai nghiêm trọng nữa là đồng nghĩa “giao phối” với “giao hôn”; “giao hôn” với “kết hôn”. “Tự điển Việt Nam” (Lê Văn Đức, Sài Gòn - 1970) giảng: “giao hôn (đt): Làm sui, kết thông-gia: Hai nhà giao-hôn rất xứng”; “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập, Sài Gòn - 1952): “giao-hôn: Chỉ hai nhà thông-gia với nhau”.
Như vậy, cứ theo “Từ điển tiếng Việt” của NXB Thanh Niên thì hai bên kết thông gia với nhau thì gọi là “giao phối” hoặc hai nhà thông gia với nhau nghĩa là “lấy nhau làm vợ làm chồng” [“giao phối” = “giao hôn” = “kết hôn” = “kết duyên” = “lấy nhau làm vợ làm chồng”]. Đó là một kiểu “quần hôn” giữa hai họ (!)
- “giao cấu: Nói về giống đực giống cái lấy nhau: Cơ quan giao cấu”.
Cách giải nghĩa rất khó chấp nhận này là sao chép lại cái sai của “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị, Sài Gòn - 1967). Ngay ở thời điểm cách đây nửa thế kỷ thì cách giảng của “Việt Nam tân tự điển” vẫn sai vì chính cuốn từ điển này đã giảng hai chữ “lấy nhau” nghĩa là: “cưới nhau”. “Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập) cũng giảng: “lấy, kết-hôn <> lấy vợ; lấy chồng; lấy nhau”; “Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên, Hà Nội - 1967): “lấy nhau: Nói trai gái kết với nhau thành vợ chồng” và Vietlex (2015) giảng nghĩa thứ 9 của từ “lấy” là: “[kng] kết hôn, thành vợ thành chồng”.
Cứ cho rằng “đực” và “cái” là chỉ chung về giới tính của động vật, trong đó bao gồm cả con người. Tuy nhiên, chỉ có con người mới “lấy nhau” (“cưới nhau”, “kết hôn”). Mà “cưới nhau”, “kết hôn” đâu có nghĩa trần trụi là “giao cấu”? [“giao cấu: giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật, để thụ tinh. Đn: giao hợp, giao phối” (Vietlex)].
Phải chăng hai từ “giao phối” và “giao cấu” chính là hai ví dụ điển hình cho cái gọi “giải thích rõ ràng”, “cập nhật nhiều từ mới” mà “Từ điển tiếng Việt” của NXB Thanh Niên giới thiệu ngoài bìa?
Có lẽ chỉ cần dừng ở phần chữ cái G cũng đủ thấy chất lượng của cuốn “Từ điển tiếng Việt” của NXB Thanh Niên như thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc về những cái sai giống nhau của hàng loạt cuốn từ điển tiếng Việt do NXB Thanh Niên ấn hành, từ năm 2012 đến 2016.
Kỳ tới: Từ điển thật hay giả?
Bình luận (0)