Việc Bộ Tư pháp vừa “tuýt còi” nội dung quy định lộ trình chuyển đổi sang giấy phép lái xe (GPLX) bằng vật liệu PET tại điều 57, Thông tư 58/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT)… gây ra nhiều tranh luận. Các chuyên gia cho rằng quy trình xây dựng, ban hành, thẩm định văn bản đang có vấn đề.
Bộ GTVT có thể phải bồi thường
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 1-12, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp, cho biết khi xây dựng dự thảo Thông tư 58, Bộ GTVT có trao đổi, lấy lý kiến từ Bộ Tư pháp.
Vậy vì sao lại “tuýt còi”? Ông Ba cho rằng theo quy định, việc ban hành thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT. Sau khi Bộ GTVT ban hành văn bản chính thức, Bộ Tư pháp nhận được văn bản có giá trị pháp lý thì mới hậu kiểm, nghĩa là kiểm tra tính pháp lý của các văn bản sau khi đã được ban hành. Tiếp đó, cục phải cân nhắc, trao đổi, thảo luận, nghiên cứu với các cơ quan liên quan, kể cả cơ quan đã tham mưu văn bản cho Bộ GTVT rồi mới có kết luận chính thức. Do đó, quá trình này cần phải có thời gian.
Về việc ngăn chặn hậu quả tác động tiêu cực của những sai sót đó với xã hội, ông Ba khẳng định: Bộ GTVT sẽ phải có trách nhiệm xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hoàng (Đoàn Luật sư Hà Nội), nhận định thiệt hại từ Thông tư 58 với mỗi người dân thì không nhiều nhưng nếu tính ra cả xã hội thì lãng phí không nhỏ. Theo quy định hiện nay, khi thực hiện các quy định của pháp luật đã ban hành mà trái pháp luật, gây hậu quả thì cơ quan ban hành phải xem xét, có giải pháp khắc phục.
Theo luật sư Tùng, hiện nay Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ có những quy định xử lý khá chung chung đối với trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật.
Khâu tham mưu có vấn đề
Trước khi dư luận lên tiếng cũng như Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật “tuýt còi” quy định tại điều 57 của Thông tư 58, đã có khá nhiều quy định “trên trời” khi ban hành và cơ quan soạn thảo đã buộc phải sửa đổi, dừng thực hiện.
Điển hình như ngày 20-7-2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm. Trong thông tư này quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ. Sau khi bị dư luận phản đối, ngày 30-8-2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ký quyết định ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư 33.
Hay ngày 4-7-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 24/2013/TT-BGDĐT bổ sung các đối tượng được cộng 2 điểm ưu tiên nếu dự thi đại học, trong đó có bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quy định này đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận vì thiếu thực tế. Kết quả là ngày 16-7-2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải ban hành thông tư khác, trong đó bãi bỏ quy định cộng điểm ưu tiên phi thực tế nêu trên.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng quy định pháp luật phải phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. “Một xã hội có trật tự, kỷ cương là một xã hội có hệ thống pháp luật chặt chẽ; bất kỳ một văn bản nào được ban hành đều phải phù hợp lòng dân, chung với ý chí, lợi ích của nhân dân thì nhân dân mới tự giác chấp hành, còn những văn bản thiếu hơi thở cuộc sống thì sẽ không nhận được sự đồng tình” - ông Vân nói.
Theo ông Lê Thanh Vân, các cơ quan ban hành văn bản thiếu tính thực tiễn cần phải kiểm điểm lại mình, trong đó có việc rà soát lại chất lượng cán bộ tham mưu. “Tuy nhiên, nếu văn bản trước khi ban hành được xin ý kiến các bộ, ngành khác bằng văn bản và cũng nhận được sự đồng ý bằng văn bản thì Chính phủ cũng cần xem xét kiểm điểm trách nhiệm các bộ - ngành khác cùng với cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật” - ông Vân nói.
Bình luận (0)