Phòng CSĐT Tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội cho biết từ giữa tháng 10-2013 đến nay, tại Hà Nội đã xảy ra ít nhất 20 vụ lừa bắt cóc, tống tiền qua điện thoại. Trong đó, hơn một nửa người bị hại đã mang tiền đi nộp cho các đối tượng lừa đảo.
Những cái bẫy bất ngờ
Chiều 26-11, bà Trần Thị Khanh (SN 1946, ngụ phố Châu Long, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội) kể: “Lúc 14 giờ ngày 28-10, tôi nhận được cuộc điện thoại từ số thuê bao 313850018. Ban đầu, chúng cho tôi nghe đoạn ghi âm với nội dung: “Mẹ ơi! Cứu con với!” rồi thông báo con trai tôi đang nợ 150 triệu đồng, muốn bảo toàn tính mạng cho con thì phải chuyển tiền trả ngay”.
Ông Trần Phi Việt (ngụ phường Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) cũng nhận được điện thoại giả giọng con rể nói “Bố ơi! Con bị đánh đau quá! Con chết mất, bố cứu con với!”. Theo các đối tượng gọi điện thoại, con rể ông nợ 300 triệu đồng, nếu không trả sẽ bị giết. Ông Việt đã chuyển tiền 3 lần vào một số tài khoản ở ngân hàng S. tổng cộng là 150 triệu đồng. Nộp xong, ông gọi cho con rể thì mới biết bị lừa!
Trong khi đó, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng vừa có thông báo về tình trạng lừa đảo tương tự. Trước đó, một số hộ dân ở Quảng Ninh nhận được điện thoại từ những số máy lạ, tự xưng là thân nhân của họ đang bị bắt giữ, đánh đập.
Ông Tạ Đình Chiến (SN 1964, ngụ khu 2, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) và bà Nguyễn Thị Lan (SN 1959, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) đã bị lừa với thủ đoạn như trên từ số điện thoại 00313850168 và 0059876654. Vào cuộc xác minh, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện đây là hành vi lừa đảo, bắt nguồn từ các tổng đài điện thoại quốc tế ở Hà Lan và Uruguay.
Quái chiêu lừa cước điện thoại
Tại TP HCM, nhiều người dân còn bị mất tiền oan khi nhận được điện thoại từ tổng đài báo họ nợ tiền cước điện thoại rất lớn. Anh Nhân (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết nhà anh liên tục nhận 2-3 cuộc gọi nhắc nợ cước tự động với nội dung: “Thuê bao của quý khách đang nợ cước với số tiền 8 triệu đồng. Vui lòng thanh toán ngay trong vòng 2 giờ. Nếu không, thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 9, để gặp tổng đài viên vui lòng bấm phím 0”.
Sau đó, anh Nhân làm theo như hướng dẫn và được chuyển hướng cuộc gọi liên tục đến nhiều tổng đài khác nhau nhưng các tổng đài này không giải đáp gì. Khi kiểm tra, anh thấy tiền cước điện thoại vào cuối tháng bị trừ gần 200.000 đồng.
VNPT TP HCM xác định những cuộc gọi này xuất phát từ các đầu số 0013xxx, 00886xxx, 96111, các số di động (sim rác) hoặc thậm chí giả mạo số 18001090; đều từ nước ngoài gọi về Việt Nam qua kết nối VoIP hoặc từ sim rác để lừa khách hàng gọi vào đầu số 1900xxxxxx. Sau khi thông báo, hệ thống “lạ” hướng dẫn khách hàng nhấn phím số 9 để liên hệ. Nếu khách hàng nhấn số 9, sẽ được kết nối tới tổng đài bị tính cước phát sinh cao. Đây là một hình thức giả mạo thông báo làm phát sinh cước không mong muốn, gây thiệt hại cho khách hàng.
Hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại Hà Nội với các cuộc gọi từ quốc tế về nhưng hiển thị số máy chủ gọi là số điện thoại cố định, GPhone, thuê bao di động trong nước của VNPT... Khi người dùng thực hiện theo hướng dẫn của các tổng đài thì ngay lập tức bị “đảo chiều” cuộc gọi một cách tự động, biến họ từ người đang nghe máy thành người đang gọi ra hướng quốc tế.
Tránh phơi bày đời tư trên mạng
Theo Trung tá Ngô Minh An, Phó trưởng PC50 Công an TP Hà Nội, nhiều người đã sập bẫy do những kẻ lừa đảo biết đánh vào tâm lý lo sợ của họ khi nhận tin người thân bị bắt cóc, đánh đập.
Điều đáng nói là các đối tượng lừa đảo không hề quen biết những người bị hại từ trước mà chỉ lấy thông tin số điện thoại cố định qua danh bạ được công khai trên internet. Khi gọi đến đe dọa, chúng khéo léo khai thác thông tin mà người bị hại do hoảng hốt đã vô tình để lộ khiến họ tưởng việc bắt cóc là có thật. Trung tá An cảnh báo người dân cần giữ bí mật các thông tin cá nhân, số điện thoại, nhất là không nên đưa thông tin đời tư, ảnh, video… lên các trang mạng xã hội.
Trong khi đó, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena TP HCM, nhận định nhiều người dùng không cẩn trọng đã tự mình “phơi bày” các thông tin cá nhân lên mạng, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng. Từ đó, chúng có thể sử dụng để tống tiền, lừa gạt người khác một cách dễ dàng bởi các thông tin mà kẻ xấu có được rất thật. Vì thế, người dùng nên hạn chế cung cấp thông tin cá nhân trên internet để tránh tình trạng “tiền mất tật mang” và còn ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự Hành vi gọi điện thoại tới người khác, thông báo cho người sử dụng điện thoại biết người thân của họ đang bị bắt, bị đánh đập nhưng thực chất không có, yêu cầu họ chuyển khoản hoặc yêu cầu thanh toán nợ cước điện thoại, dù họ không nợ cước, vào một tài khoản không phải là tài khoản VNPT nhằm chiếm đoạt tiền, là hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt và các tình tiết cụ thể khác mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 73/2010/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự. |
Bình luận (0)