Thông tin này nằm trong bản dự thảo quy định tách thửa vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM trình UBND TP.
Giảm diện tích tách thửa
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, Quyết định 33/2014/QĐ-UBND trước đây còn nhiều kẽ hở nên bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để mua đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất rồi tách thành từng thửa nhỏ để bán, dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Điển hình các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn; các quận 9, Thủ Đức… đã hình thành những khu dân cư đông đúc nhưng thiếu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phù hợp: nhà chật chội, không cống thoát nước, cây xanh…
Cũng theo ông Thắng, dự thảo lần này phân chia làm 2 khu vực được tách thửa. Khu vực 1 gồm: quận 1, 3, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú. Nếu thuộc khu vực này, đất trống muốn tách thửa phải có diện tích tối thiểu 50 m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4 m. Riêng đối với đất có nhà hiện hữu chỉ cần 45 m2 và mặt tiền lớn hơn 3 m. Khu vực 2, với những quận, huyện còn lại: 2, 4, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn. Diện tích nhỏ nhất của thửa đất ở tách ra là 80 m2, mặt tiền từ 5 m trở lên đối với đất trống; đất có nhà hiện hữu 50 m2 và mặt tiền 4 m trở lên. Nếu so với quy định trước, diện tích tối thiểu đã giảm 30-40 m2.
Một căn nhà ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi có nhu cầu tách thửa
Ngoài ra, dự thảo nêu rõ qua ghi nhận thực tế ở các vùng ven TP HCM, nhiều khu đất lớn đã tách thửa nhưng đường giao thông khu vực không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, không cây xanh, trường học, y tế… Tiền được các đầu nậu bỏ túi trong khi chính quyền phải gánh hậu quả về tăng dân số. Vì vậy, Sở TN-MT đề xuất khi tách thửa đất có diện tích từ 2.000 m2 trở lên phải lập dự án theo quy định của Luật Nhà ở.
Trước những thông tin này, hầu hết người dân được hỏi đều đồng tình vì đáp ứng nhu cầu chính đáng của họ. "Giữa năm 2016, ba tôi mất, để lại miếng đất rộng 148 m2 cho 3 người con. Từ năm ngoái đến nay, hồ sơ bị "treo" vì chờ quyết định thay thế. Nếu dự thảo này được thông qua, giá trị hợp đồng bán đất sẽ tăng lên, chúng tôi có thêm số tiền để trang trải cuộc sống" - bà Lê Thị Luận (ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) nói.
Còn ông Phạm Văn Tú (nhân viên văn phòng ở quận 4) cho biết mới mua khu đất tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh rộng 85 m2, trên giấy tờ vẫn chung với 3 hộ dân khác. "Hiện chi phí sinh hoạt cao, người dân khó có điều kiện mua được những miếng đất nền rộng. Việc thu hẹp diện tích tách thửa sẽ giúp tôi và nhiều người khác được đứng tên chính tài sản của mình, thật sự rất mừng" - ông Tú bày tỏ.
Vẫn lo "cò" lách luật
Trong khi đó, một cán bộ thuộc Phòng TN-MT huyện Bình Chánh lo ngại dù dự thảo có nhiều điều chỉnh nhưng "cò" đất vẫn có thể tìm được kẽ hở để lách. Điển hình mấy tháng nay ở khu vực các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, tình trạng thu mua các khu đất nông nghiệp từ nhiều hộ đang âm thầm diễn ra. "Phân loại đất trống và đất có nhà hiện hữu sẽ dẫn đến việc đầu nậu xây dựng các căn nhà dạng "hộp diêm" để ăn gian diện tích tách thửa. Chẳng hạn ở vùng ven, đất trống muốn tách thửa thì diện tích tối thiểu 80 m2 nhưng đất có nhà hiện hữu chỉ cần 50 m2. Vì vậy, tốt nhất nên bỏ luôn việc phân 2 loại đất có nhà và đất trống, tất cả diện tích tách thửa ngang nhau sẽ tránh được bị lợi dụng" - vị này ý kiến.
Quy định tách thửa mới Đồ họa: TẤN RIN
Ông Nguyễn Toàn Thắng đánh giá giảm diện tích tối thiểu tách thửa sẽ đáp ứng yêu cầu của người dân, việc siết chặt tách thửa đất diện tích lớn ngăn đầu nậu trục lợi. "Vừa qua, việc trình dự thảo kéo dài khiến hàng ngàn hồ sơ bị ách tắc, quyền lợi người dân không bảo đảm là do chúng tôi phải tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến người dân, các chuyên gia và gửi cho UBND cấp quận, huyện tham khảo, góp ý. Tôi đánh giá dự thảo lần này có tính nhân văn và thực tiễn rất cao; phục vụ đúng nhu cầu, quyền lợi của người dân TP" - ông Thắng kỳ vọng.
Nhà có diện tích đất và nhà nhỏ hơn 45 m2, xây dựng trước khi Quyết định 33 ban hành, bảo đảm điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì vẫn được phép tách thửa.
Bình luận (0)