Ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền và nguy cơ hình thành nhà ổ chuột ở ngoại thành là mục đích khi UBND TPHCM ban hành Quyết định 19 (ngày 25-2-2009) quy định diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa. Song, quy định này đã gây nhiều trở ngại cho người dân ngoại thành, đặc biệt là những người có đất nông nghiệp.
Thiếu 2 m nên thửa đất của bà Đáo không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: T.HỒNG
Bỗng dưng mắc nợ
Chỉ vào căn nhà 3 gian đã xây cách đây gần 50 năm, cụ Nguyễn Thị Đáo (92 tuổi, ngụ ấp Dòng Sao, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) kể: “Nhà dột khắp nơi, tôi đau ốm liên miên nên năm 2008 kêu bán đất. Người mua đã đưa phân nửa tiền, số còn lại sẽ trả hết khi làm xong giấy tờ”. Thế nhưng rắc rối đã xảy ra với cụ Đáo.
Từ khi có Quyết định 19, miếng đất mà cụ Đáo kêu bán không thể tách thửa vì chiều ngang chỉ rộng 5 m trong khi quy định tối thiểu phải 7 m (đất không có nhà) nên không được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Người mua đất treo tiền, trong khi tôi tráng bánh mỗi ngày chỉ được 20.000 – 30.000 đồng, không đủ nuôi 2 con và bà cụ. Do vậy, khó khăn càng chồng chất”- con dâu cụ Đáo góp chuyện.
Vừa bình phục sau cơn mổ tim, anh Nguyễn Văn Thanh (ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung) đã phải “đứng ngồi không yên” vì UBND xã Tân Phú Trung thông báo không thể cấp giấy chủ quyền cho lô đất nằm trong khuôn viên nhà anh nếu tách thửa (diện tích 80 m2, chiều ngang 4 m).
Nguyên nhân vì theo Quyết định 19, “đất có nhà ở hiện hữu thì thửa đất phải có diện tích 80 m2 và chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5 m mới cho tách thửa”. Điều này có nghĩa là ý định bán lô đất của vợ chồng anh Thanh không thể thực hiện trong khi anh đã lỡ vay 100 triệu đồng của người hàng xóm để mổ tim. “Giờ không có tiền trả nợ, vợ chồng tôi biết xoay xở sao đây!”- anh Thanh buồn phiền.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Vắng (ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) cũng dở khóc dở cười. Do cần tiền sửa lại ngôi nhà lụp xụp để con cái ở, bà đã vay ngân hàng 200 triệu đồng với hy vọng sau khi cất nhà, sẽ bán miếng đất rộng 6,5 m, dài 20 m để trả nợ ngân hàng.
Song, khi chuẩn bị bán đất, con trai bà Vắng mang giấy tờ lên UBND huyện xin làm chủ quyền thì được cán bộ địa chính trả lời “theo quy định mới chiều rộng miếng đất ở (chưa có nhà) tối thiểu phải 7 m...”. Cầm giấy báo sắp đáo hạn ngân hàng, bà Vắng thở dài: “Tiền đâu mà đáo hạn, mỗi tháng chạy vạy khắp nơi vay nóng nộp 3 triệu tiền lãi cũng đã bở hơi tai rồi!”.
Có đất nhưng không thể cho con!
Gia tài lớn nhất của vợ chồng bà Đào Thị Mùa (ấp 1, tổ 6, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) là mảnh đất nông nghiệp gần 1.000 m². Để con cái có nơi ở ổn định, bà Mùa bàn với chồng tách mảnh đất gần 1.000 m² này thành hai thửa để chia cho 2 đứa con lớn.
Lên xã nộp hồ sơ, bà Mùa tá hỏa khi biết mảnh đất của mình không những không đủ diện tích tách thành hai thửa mà cả một thửa cũng thiếu luôn (quy định thửa đất nông nghiệp sau khi tách, diện tích tối thiểu phải là 1.000 m²). “Đâu phải ai cũng có vài ngàn mét vuông đất để chia cho con. Quy định kiểu này, những hộ như chúng tôi kiếm đâu ra đất chia cho con”- bà Mùa than.
Theo cán bộ địa chính xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, từ khi Quyết định 19 có hiệu lực, lượng hồ sơ tách thửa nộp tại xã giảm gần 90% so với năm 2008. Hầu hết các hộ dân đem hồ sơ lên xã nhưng đành quay về vì diện tích nhà đất tách thửa không đáp ứng quy định của Quyết định 19.
Ông Huỳnh Văn Nị, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, nhận định: “Quyết định 19 siết lại tình trạng phân lô bán nền là hợp lý. Tuy nhiên, với một xã đang đô thị hóa, quy định này sẽ là trở ngại cho người dân bởi hiếm có hộ dân nào có 3.000 m², 4.000 m² đất nông nghiệp để chia 3, 4 thửa cho con. Chưa kể có hộ có 5,6 người con mà chỉ vỏn vẹn 1.000 m² đất”.
Lập di chúc... để dành Theo nhận định của Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Củ Chi, qua khảo sát 21 xã-thị trấn của huyện, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn khi giải quyết chia tách thửa theo Quyết định 19. Một số cán bộ tư pháp xã cho rằng vì không được giải quyết cho chia tách thửa nên nhiều hộ dân đã chọn phương án lập di chúc... để dành cho các con. “Bởi thời gian gần đây, tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng phổ biến ở huyện, nổi lên là việc anh em trong gia đình tranh chấp với nhau. Vì vậy, để ngăn chặn mâu thuẫn phát sinh, cha mẹ thường chia tách đất đai, nhà cửa cho con trước khi chết” - một cán bộ Phòng Tư pháp huyện Củ Chi nhận định. Song, việc lập di chúc để “hợp thức hóa” Quyết định 19 là điều không ổn. Bởi việc thừa kế chỉ được thực hiện khi người lập di chúc chết và dù nội dung di chúc là gì thì vẫn phải thực hiện theo quy định của Quyết định 19!. |
Bình luận (0)