Đến gần 20 giờ ngày 16-12, lực lượng cứu hộ đã khoan thông xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ và liên lạc được với các nạn nhân trong vụ sập hầm dẫn nước trên công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).
Tìm thấy sự sống
Theo lực lượng cứu hộ, mũi khoan đã xuyên được qua lớp đất đá bị sụp đổ dài khoảng 35 m và thông suốt với đoạn đường hầm phía trong, nơi có 12 công nhân bị mắc kẹt, trong số này có 1 phụ nữ. Lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với các công nhân bị nạn bên trong và được biết sức khỏe tất cả công nhân vẫn tốt. Ngay sau khi xuyên qua lớp đất đá, đội cứu hộ đưa ống dẫn khí ôxy vào bên trong để cung cấp dưỡng khí cho nhóm công nhân.
Ông Nguyễn Duy Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết lực lượng cứu hộ đã đưa được bộ đàm có dây vào trong cho các nạn nhân. Các nạn nhân đã được tiếp thức ăn và có không khí để thở. Một ống sắt đường kính khoảng 60 cm đã được đưa vào hiện trường để hút đất đá ra. Các nạn nhân sẽ chui qua đường ống này để ra ngoài. Dự kiến trưa 17-12 mới đưa được các nạn nhân ra ngoài.
Công trình thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo có tổng công suất thiết kế 22 MW với tổng mức đầu tư trên 475 tỉ đồng theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, kinh doanh). Công trình gồm 2 nhà máy thủy điện liên hoàn theo hệ bậc thang gồm Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng đặt trên dòng sông Đạ Dâng (xã Lát) và Nhà máy Thủy điện Đa Chomo trên suối Đa Chomo (nhánh của sông Đạ Dâng, tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà). Công trình nhà máy thủy điện Đạ Dâng được khởi công xây dựng vào cuối năm 2013. Đường hầm có chiều dài khoảng 700 m nhưng thi công được hơn 500 m thì xảy ra tai nạn.
Vượt mọi khó khăn để cứu nạn
Theo anh Phạm Đình Hiếu, chỉ huy thi công đường hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (Công ty CP Sông Đà 505), vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7 giờ 45 phút khi 30 công nhân đang đổ bê-tông vào hầm dẫn nước của công trình thủy điện. Một số người kịp chạy thoát ra ngoài, số còn lại chạy vào bên trong và bị kẹt lại.
Suốt 13 giờ sau khi xảy ra sự cố, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đã cứu hộ rất vất vả trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn để tìm sự sống cho các nạn nhân. Đại tá Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, cho biết các nạn nhân đã có không khí để thở và duy trì sự sống, chờ các lực lượng cứu hộ tiếp cận, đồng thời đào bới để thông cửa hầm. Tuy nhiên, đây là đường hầm để dẫn nước xuống tua-bin, nằm trong núi, địa hình hết sức hiểm trở. Mặt khác, địa điểm tai nạn cách cửa hầm khoảng 300-500 m, diện tích hầm bị sập kéo dài khoảng 6 m với hàng trăm mét khối đất.
Ông Đặng Quang Đạt, Giám đốc Công ty CP Sông đà 505 - đơn vị trực tiếp thi công công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo, cho biết do trời mưa, đường hầm chật chội không thể cùng lúc đưa được nhiều phương tiện vào bên trong, chưa kể không khí trong đường hầm rất ẩm ướt. Khó khăn nhất là đường hầm sâu, nước trong hầm nhiều, gia cố trong hầm mong manh. Cuối giờ chiều, mưa to khiến nước chảy vào hầm ngày càng nhiều nên cứu hộ khó khăn. Đến tối, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa được điện chiếu sáng vào hiện trường và theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, công tác cứu hộ vẫn tiếp tục xuyên đêm. Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ với hơn 100 người đang tích cực làm việc. Một trại dã chiến cũng được lập ngay trước cửa hầm để phục vụ công tác cứu hộ. Lực lượng chức năng cũng đưa thêm máy khoan, máy phát điện và đèn chiếu sáng công suất lớn để triển khai cứu hộ trong suốt đêm 16-12.
Đến 23 giờ tối 16-12, trời vẫn mưa rả rích, giữa đồng không mông quạnh, rất nhiều công nhân, người dân quanh vùng vẫn hướng về phía đường hầm, cầu mong điều kỳ diệu đến trọn vẹn với những công nhân đang bị kẹt bên trong. (Mời xem thông tin cập nhật vụ này tại Báo Người Lao Động điện tử: nld.com.vn).
Nguyên nhân ban đầu là do địa chất yếu cộng với mưa trong những ngày qua khiến đường hầm bị sập.
Cứu người đặt lên hàng đầu
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu khẩn trương cứu nạn sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện, sử dụng các biện pháp để tập trung ứng cứu, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn đối với các nạn nhân còn bị mắc kẹt trong hầm...
Ngay khi nhận được thông tin về vụ sập hầm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Thứ trưởng Lê Quang Hùng phối hợp với Bộ Công Thương - cơ quản lý nhà nước về các công trình thủy điện - và các cơ quan chức năng chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, giải quyết sự cố sập hầm trên tinh thần cứu người đặt lên hàng đầu...
T.Dũng - P.Nhung
Bình luận (0)