Công chức tham gia bộ máy công quyền lâu nay theo 2 con đường: thi tuyển và xét tuyển. Công chức trong bộ máy công quyền được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Qua một thời gian thực thi công vụ, nhiều công chức tỏ ra thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ… Với chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm… hiện hành thì khó mà cải thiện thực trạng này.
Không chỉ nước ta, nhiều nước tiên tiến cũng từng xuất hiện thực trạng này. Vì vậy, họ đưa thêm vào luật công chức công vụ chế định sát hạch công chức. Cũng cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hằng năm đang hiện hành ở nước ta.
Sát hạch công chức là công việc mà các cơ quan nhà nước tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả thành tích làm việc và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác… của công chức trực thuộc để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với họ. Việc sát hạch sẽ phát huy được tác dụng trên nhiều mặt trong công tác quản lý công chức:
Thứ nhất, sát hạch là công tác có tính chất nền tảng trong chế độ quản lý công chức. Mục đích của việc tiến hành sát hạch là để đưa ra được một tiêu chuẩn bình quân khách quan cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm, thưởng phạt, đề bạt, thù lao lương bổng của công chức. Thứ hai, sát hạch là biện pháp hữu hiệu để khích lệ công chức hăng hái phấn đấu vươn lên. Thứ ba, sát hạch là con đường quan trọng để phát hiện và tuyển chọn những người tài giỏi. Thứ tư, sát hạch là đòn bẩy nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, sát hạch là bộ phận cấu thành quan trọng của luật công chức nhà nước của các nước có nền công vụ tiên tiến.
Nước ta đã có Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các văn bản điều chỉnh hành vi công chức từ nghị định của Chính phủ đến các thông tư. Tuy nhiên, các văn bản này chưa đề cập chế định sát hạch công chức. Ở mỗi cơ quan, hằng năm cũng có kiểm điểm đánh giá vào dịp cuối năm nhưng vẫn còn sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ theo tư duy quản lý lỗi thời…
Thiết nghĩ, cần thay thế chế độ “biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức, coi như một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ vốn quá nhiều trì trệ, bất cập hiện nay.
Bình luận (0)