Ngày 7-11, đoàn cứu trợ của Báo Người Lao Động do ông Đỗ Danh Phương, Tổng Biên tập, dẫn đầu phối hợp với LĐLĐ tỉnh Phú Yên đã về các địa phương bị lũ tàn phá của tỉnh Phú Yên để trao 150 triệu đồng từ nguồn Quỹ Xã hội từ thiện Báo Người Lao Động cho người dân bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua.
“Có tiền để dựng lại nhà rồi”
Căn nhà của gia đình anh Huỳnh Tấn Mạnh (SN 1984; ngụ thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu) bị sập hoàn toàn trong đợt mưa lũ vừa qua. Sáng 3-11, anh Mạnh cùng con 5 tuổi đang ở trong nhà thì nước lũ tràn vào. Anh vừa kịp bồng con chạy ra ngoài thì căn nhà đổ sập. Ngay cả bàn thờ người vợ quá cố, anh cũng không kịp chuyển ra ngoài. Trong cảnh “gà trống nuôi con”, mấy ngày nay, anh Mạnh phải đưa con về sống với cha mẹ. Nhận món quà 10 triệu đồng tiền mặt của Báo Người Lao Động, anh Mạnh vui mừng khôn xiết. Chờ đoàn người vừa quay đi, anh vội mang túi quà đến trước bàn thờ vợ còn đang mắc kẹt trong đống đổ nát, khoe: “Có tiền để dựng lại ngôi nhà cho con rồi, mình ơi!”.
Anh Huỳnh Tấn Mạnh khoe quà cứu trợ trước bàn thờ người vợ quá cố đang mắc kẹt trong đống đổ nát
Tại thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tranh thủ nắng lên, chị Nguyễn Thị Vinh dọn dẹp mớ hỗn độn từ ngôi nhà đổ nát. Sáng 3-11, trong khi chị đang chuẩn bị bữa ăn sáng thì nước lũ ập vào. Ngay lúc chị và chồng, con vừa thoát ra thì lũ dữ cuốn ngôi nhà đổ sập. Cầm trên tay 10 triệu đồng, chị Vinh xúc động: “Trong lúc chưa có tiền sửa sang lại ngôi nhà thì nó sập rồi. Đang ăn nhờ ở đậu vì mất nhà, được mấy anh, mấy chú giúp thế này nhà tui mừng lắm”.
Trước đó, chiều 6-11, đoàn cứu trợ của Báo Người Lao Động đã về thăm và hỗ trợ 100 triệu đồng cho người dân vùng lũ tỉnh Bình Định. Chúng tôi không thể quên hình ảnh bà Lê Thị Tám (65 tuổi; ngụ thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) mừng rỡ nhận món quà trong đó có 5 triệu đồng tiền mặt từ tay Tổng Biên tập Đỗ Danh Phương ngay trước căn nhà bị sập vào rạng sáng 3-11. “Có tiền cứu trợ của Báo Người Lao Động, tôi sẽ mua ngay ít vật tư dựng tạm lại ngôi nhà” - bà Tám bày tỏ.
Cũng hướng về bà con vùng lũ, ngày 7-11, một đoàn cứu trợ khác của Báo Người Lao Động do ông Nguyễn Văn Tín, Phó Tổng Biên tập, dẫn đầu tiếp tục đến Quảng Bình trao máy phát điện từ chương trình “Ánh sáng trong lũ” cho người dân nơi đây. Cùng với trao 4 phần quà (10 triệu đồng/phần) cho các hộ có người chết trong lũ, đoàn đã trao tặng 1 máy phát điện cho Trường Tiểu học số 1 Hưng Trạch (huyện Bố Trạch), 1 máy cho Trường Tiểu học Quảng Tân (thị xã Ba Đồn) và 14 máy cho 14 trạm y tế xã ở huyện Tuyên Hóa. Ngày 8-11, đoàn sẽ trao 7 máy phát điện cho các trường học, trạm y tế ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cách đây một tuần, ngày 30-10, chương trình “Ánh sáng trong lũ” cũng đã mang 15 máy phát điện đến 10 cụm dân cư và 5 trạm y tế của huyện Tuyên Hóa.
“Ba muốn để con sống”
Ngày 7-11, anh Bùi Anh Khoa (ngụ xã An Dân, huyện Tuy An) làm lễ mở cửa mả cho vợ là chị Trần Thị Vinh (24 tuổi) tử vong trong lũ. Xong lễ, anh Khoa vội vã ra phần mộ của vợ để xây. Nhìn 2 con anh Khoa là cháu Bùi Thái Học (6 tuổi) và Bùi Thái Lý (4 tuổi) vô tư chạy nhảy trong sân, chưa biết đến nỗi đau mất mẹ, nhiều người ứa nước mắt. Mái tóc bạc trắng, ông Bùi Long (80 tuổi, cha chồng chị Vinh) kể trong nước mắt: “Hôm ấy là sáng 3-11, thằng Khoa đi làm. Nước dâng lên rất nhanh, chẳng mấy chốc đã ngập tới lưng con bò dù chuồng cao hơn sân cả mét. Tui định lội ra dắt bò thì con Vinh cản lại: “Ba già rồi, lỡ có chuyện gì thì sao, để con làm”. Nói rồi, nó chèo sõng, dắt bò ra khỏi chuồng thì sõng bị lật. Nó đâu có biết bơi nên khi tìm thấy thì đã tắt thở”.
Cũng trong buổi sáng 3-11 định mệnh ấy, ông Phan Sơn (ngụ phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) cùng con là Phan Nguyên Thi (15 tuổi) đi lưới ghẹ từ biển trở về bằng thuyền thúng. Khi đã vào gần bờ thì bất ngờ gặp nước lũ từ con suối trên núi đổ mạnh làm lật thuyền thúng. “Con với được chiếc cọc gỗ mà người ta cắm ngoài biển, tay kia chụp được tay ba. Nhưng chiếc cọc gỗ yếu quá, không chịu nổi được 2 cha con. Hình như ba biết vậy nên giật mạnh tay, tuột khỏi tay con. Ba muốn để con sống…” - Thi quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt.
Suốt 3 ngày sau đó, dường như Thi không ăn uống gì, chỉ lẩn thẩn trên bãi biển tìm cha. Thi thể ông Sơn đã được tìm thấy vào chiều 5-11. Trao 10 triệu đồng của Báo Người Lao Động cho gia đình, giọng ông Đỗ Danh Phương như chùng xuống: “Biết là khoản tiền này không bù đắp được mất mát của gia đình nhưng mong rằng chị và các cháu sẽ gượng dậy. Đừng để các cháu phải nghỉ học”.
Ông Sơn có 4 người con. Con gái đầu đang học năm 2 Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên. Trước cái chết của cha, em sợ rồi đây sẽ nghỉ học. “Tỉnh cũng biết hoàn cảnh gia đình ông Sơn và đã tính rồi. Không thể để các em nghỉ học. Trước mắt sẽ có chỉ đạo lập hồ sơ đưa vào diện hộ nghèo và miễn giảm học phí cho các em” - ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng Báo Người Lao Động đã kịp thời mang những suất quà ý nghĩ đến chia sẻ mất mát, khó khăn với bà con vùng lũ. Sự sẻ chia ấy là nguồn động viên kịp thời để bà con cố gắng vượt qua khó khăn, mất mát.
Bình luận (0)