Trước đây không lâu, vụ hàng loạt người thân của bí thư Tỉnh ủy Hà Giang ngồi ở các vị trí quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước địa phương cũng gây chấn động dư luận. Điều đáng nói là các cơ quan giám sát nhà nước đã không ngăn chặn hay đưa sự việc này ra trước công luận mà tất cả là từ mạng xã hội, từ sự bức xúc của người dân trước tình trạng “con ông cháu cha” đang diễn ra.
Ai dám chắc tình trạng trên chỉ có ở Hà Giang!
Gọi tên việc người thân cất nhắc nhau vào những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý bằng 2 từ “tham nhũng” là điều cần thiết. Bởi tham nhũng trước hết là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (theo định nghĩa của Luật Phòng chống tham nhũng). Vụ lợi ở đây là sự chia sẻ, nhân rộng, nối tiếp quyền lực bản thân qua thân nhân để duy trì sức ảnh hưởng, thậm chí tạo ra các liên minh để thao túng và tư lợi nhiều hơn.
Phía sau những “chiến lược nhân sự” đó là những tham vọng bất tận. Trong thực tế công việc điều hành xã hội thì ngoài việc điều hành theo kiểu thân hữu, gia đình, xuê xoa bao che cho nhau, câu kết lạm quyền để trục lợi, khó khách quan và minh bạch thì tình trạng này còn dẫn đến một thứ tổn thất khác: Làm mất niềm tin của người dân, tạo ra bất công, triệt tiêu nguồn năng lượng tốt để phát triển của xã hội. Người tài sẽ phải nhường chỗ cho những người có gốc gác; người liêm chính sẽ bị đẩy ra khỏi những cỗ máy liên minh một khi họ không chịu đồng lõa…
Người xưa đề cao việc người làm chức lớn thường phải có sĩ diện. Có sĩ diện nhằm giữ hình ảnh, sự liêm khiết và chí ít là bảo đảm những nguyên tắc sống để được người khác tôn trọng. Người làm chức lớn mà đánh mất sĩ diện thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều thiệt hại cho xã hội. Thế nhưng, làm lớn, có quyền lực cũng là một thứ thách thức đối với sĩ diện. Có quyền trong tay thì cứ nghĩ sẽ dùng quyền ấy mà “vinh thân phì gia”. Ai chống lại thì sẽ dùng cái quyền đó mà triệt hạ. Ai phản biện thì sẽ dùng uy vũ để mà trừng trị. Sĩ diện bị bào mòn, sự thanh liêm bị coi nhẹ, nhường chỗ cho những “chiến lược” hãnh tiến của mình, của họ hàng và người thân.
Chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ” đã không còn lý lẽ gì tồn tại trong bối cảnh xã hội đề cao vai trò, năng lực, phẩm chất cá nhân. Một khi kháng thể liêm chính trong các bộ máy quản lý chưa đủ mạnh để nội trị thì rất cần đến những thể chế dân sự giám sát quyền lực và sự cương trực, trách nhiệm của những người đại diện cho dân để bộ máy quản lý xã hội được minh bạch và trong sạch.
Bình luận (0)