Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm trên cả nước tăng cường kiểm tra an toàn phương tiện; tăng cường minh bạch trong công tác đăng kiểm. Theo đó, đã có hàng loạt giải pháp cứng rắn được đề ra.
Sai đâu trị đó
Thực hiện chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V đã yêu cầu nhiều chủ xe khách phải tự tháo gỡ các thiết bị điện tự lắp ráp do không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Theo trung tâm này, các lỗi chủ yếu rơi vào xe khách loại 46 chỗ. Nguyên nhân là do chủ phương tiện tự lắp ráp các thiết bị có sử dụng điện như loa, âm thanh, tivi.
“Việc này khi mới áp dụng khiến không ít chủ xe phản ứng vì họ cho rằng xe khách nếu không có những thiết bị trên thì bị hạn chế trong việc phục vụ hành khách. Tuy nhiên, khi nghe giải thích rằng những loại xe theo thiết kế không được nhà sản xuất lắp ráp các thiết bị trên, giờ lắp vào rất dễ gây mất an toàn cháy nổ, hậu quả khó lường thì đa phần các chủ xe vui vẻ chấp thuận” - đại diện Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V cho biết.
Ông Trần Văn Thơ - tài xế một xe khách, ngụ TP HCM - cho biết đúng là phải tháo gỡ tivi trên xe khách sẽ bất tiện cho việc phục vụ hành khách nhưng thực tế nếu biến điện 220V và tivi 21-32 inch chập điện thì rõ ràng hậu quả khó lường. Do đó, khi được yêu cầu tháo gỡ theo quy định mới, ông cũng vui vẻ chấp nhận và sẽ về giải thích cho hành khách thông cảm khi đi xe.
Lý do ngành đăng kiểm quyết liệt trị các thiết bị điện gắn thêm vào xe được các đăng kiểm viên giải thích như sau: Hiện nay, hệ thống điện trên xe được thiết kế điện một chiều 24V, do đó để đủ tải nguồn điện cung cấp cho các thiết bị, nhà xe tự chế lại cầu chì, dùng biến điện lên 220V. Như vậy, rất nguy hiểm và dễ gây ra cháy nổ khi có sự cố. Bằng chứng là theo kết luận bước đầu, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ xe chở khách vì chập điện.
Ngoài việc kiên quyết loại bỏ các thiết bị được gắn thêm trên phương tiện, gây mất an toàn, hiện ngành đăng kiểm còn đòi hỏi đăng kiểm viên phải nâng cao tay nghề. Việc nâng cao tay nghề là để đủ trình độ đảm trách tất cả các khâu trong đăng kiểm chứ không phải riêng rẽ từng khâu như trước đây nhằm dễ dàng truy trách nhiệm nếu xảy ra sự cố về mặt kỹ thuật. “Thực tế, quy định mới này buộc các đăng kiểm viên phải có tay nghề chứ làng nhàng là lãnh hậu quả ngay. Tuy nhiên, để đăng kiểm viên bớt áp lực thì Cục Đăng kiểm cũng đầu tư thêm thiết bị, công nghệ để hoạt động đăng kiểm được hoàn toàn chính xác” - một đăng kiểm viên nói.
Không làm khó
Không dừng lại ở đó, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Thông tư 70/2015/TT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đưa xe đi đăng kiểm. Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Trí, Thông tư 70 giảm các giấy tờ phải nộp của chủ xe khi vào kiểm định. Trong đó quy định việc lập hồ sơ phương tiện và kiểm định lần đầu có thể thực hiện độc lập và tại bất kỳ đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nào trên cả nước. Kế đến là khi có thay đổi thông tin hành chính, chủ xe chỉ phải mang các giấy tờ liên quan đến đơn vị đăng kiểm để ghi nhận thay đổi mà không phải kiểm định lại.
“Đặc biệt, Thông tư 70 cũng đã phân chia các khiếm khuyết, hư hỏng của xe cơ giới thành 3 mức. Đối với khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng, không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường khi xe cơ giới tham gia giao thông thì vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định. Khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng thì không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại. Đối với khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm thì không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, không được tham gia giao thông và phải sửa chữa các hư hỏng để kiểm định lại” - ông Trí nhấn mạnh.
Việc cho phép một đăng kiểm viên được phân công thực hiện tất cả các công đoạn khi tiến hành đăng kiểm một phương tiện, tuy quy được trách nhiệm khi xảy ra sai sót nhưng nhiều người lại cho rằng làm vậy dễ sinh tiêu cực?
Ông Trí cho rằng việc kiểm định xe cơ giới được chia thành 5 công đoạn, do đó dù nhiều hay một đăng kiểm viên kiểm tra một xe thì cũng vậy, mọi thứ có máy móc xác định còn nếu xác định tiêu cực thì chắc chắn sẽ xử nghiêm.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ và bộ trưởng Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu thủ trưởng các đơn vị đăng kiểm chịu trách nhiệm cao nhất và trước hết đối với các hành vi tiêu cực, vi phạm quy định, quy trình tại đơn vị đăng kiểm xe cơ giới” - ông Trí tái khẳng định.
Đặc biệt, câu hỏi được đông đảo chủ ô tô quan tâm là theo quy định hiện nay, các trung tâm đăng kiểm không được phép đầu tư cơ sở sửa chữa. Vậy đối với những trường hợp khi đăng kiểm không đạt yêu cầu, tức không được phép lưu thông trên đường, phải xử lý ra sao? Theo ông Trí, việc sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại do chủ xe tự quyết định, có thể thông qua dịch vụ sửa chữa lưu động của các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, cứu hộ giao thông chứ không nhất thiết trung tâm đăng kiểm phải kèm theo cơ sở sửa chữa xe cơ giới.
139.000 ô tô đang “thả rông”!
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 139.000 ô tô chở hàng, chở khách hết niên hạn sử dụng đã được cục báo về Bộ GTVT và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhằm có hướng ngăn chặn, xử lý. Tuy vậy, hiện nay nhiều phương tiện vẫn chưa được chủ xe đưa đi đăng kiểm lại. Nếu những phương tiện này vẫn lưu hành sẽ rất nguy hiểm đến an toàn giao thông.
Bình luận (0)