Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng suốt 15 năm qua, ông Huỳnh Văn Truyện (giữa) vẫn nỗ lực đi khắp nơi kêu oan cho con là Huỳnh Văn Nén Ảnh: Thế Kha
Ông bà sinh sao, để vậy
Gia đình ông Huỳnh Văn Truyện đã ở lâu năm tại vùng đất này. Nghề nghiệp không ổn định, chẳng vốn liếng mà con đông nên sau ngày miền Nam giải phóng, ông Truyện mang theo 6 đứa con nhỏ quay về quê nhà ở tỉnh Cà Mau. Nén là con trai thứ 7, được gửi về gia đình ngoại ở TP Cần Thơ để mong kiếm cái chữ. Nhưng tính khí Nén thất thường, nhiều người bảo bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng nên chỉ ráng được hết lớp 5, việc học lại tuột khỏi tay và Nén quay lại đất Tân Minh, lay lắt sống.
Chặt củi, phát rẫy, bốc vác…, ai kêu gì Nén làm nấy và làm hùng hục như trâu, chỉ hiềm nỗi có chút rượu vào thì nói năng vung mạng nên mọi người hay gọi là Nén “nổ”, Nén “tưng”, Nén “man”. Gọi sao, Nén cũng cười. Chỉ ông Truyện là hiểu đúng tâm tính thằng con. Ông bảo: “Tôi biết nhưng nhà có tiền đâu mà đưa nó đi điều trị, đành trời sinh sao, để vậy”.
Rồi thì ông Truyện cũng kiếm được cho Nén một cô vợ. Chồng suốt ngày làm thuê, vợ mua đầu chợ bán cuối chợ, cuộc sống những tưởng cũng dần trôi qua nếu không vì cái tính thất thường của Nén.
Dù đã có 3 đứa con nhưng Nén ngày càng nghễnh ngãng, thích gì làm nấy và mỗi khi uống rượu vào thì rất dễ bị kích động. Vợ con của Nén và gia đình ông Truyện càng ngày càng khổ vì bị thiên hạ mắng vốn bởi những việc làm của Nén.
Tháng 6-1997, Nén uống rượu với Bổ (ngụ cùng xã) và có lời qua tiếng lại. Thế là đêm về, Nén đốt cháy nhà của Bổ. Một tháng sau, chỉ nghe Bình kể chuyện uống rượu và cãi nhau với Thảo, máu nóng nổi lên, Nén xăng xái vác dao đi tìm Thảo. Tìm không thấy, Nén đốt luôn căn nhà của Thảo. Biết Nén là người không bình thường, Thảo đành bỏ qua, không đòi bồi thường gì. Vài tháng sau, thấy xe đạp của một người để ở chợ, Nén dắt vào tiệm cầm đồ thế chấp chỉ để lấy 24.000 đồng mua 6 xị rượu đế.
Khổ vì vạ miệng
Năm 1998, vụ án giết bà Lê Thị Bông xảy ra tại xã Tân Minh. Giữa lúc các điều tra viên đang bí vì chưa tìm ra thủ phạm thì tại một cuộc nhậu, trong khi bạn bè hăng hái bình phẩm quanh vụ bà Bông, Nén hứng chí khoe là thủ phạm nên bị bắt ngay sau đó. Khi được đưa về nơi xảy ra vụ án để dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, Nén ngơ ngơ ngáo ngáo đến mức cán bộ điều tra phải “răn đe, giáo dục” mãi Nén mới biết làm theo những gì được cho là chính Nén đã khai.
Kêu cứu, mong được minh oan
Ngay sau khi được trả tự do, chính mẹ vợ của Nén là người phải ngồi tù oan lâu nhất nhưng lại tất tả đi thăm nuôi và động viên mọi người giúp đỡ vợ con của Nén. Bà nói đã quá hiểu tâm tính của thằng con rể nên không trách móc gì. Cả những người con của bà Bông cũng làm đơn thư gửi các cơ quan chức năng đề nghị minh oan cho Nén vì họ tin thân xác như Nén không thể một mình trong khi say xỉn mà đủ sức siết cổ mẹ của họ đến chết, chưa kể hiện trường còn hàng loạt điều phi lý...
Nén ngồi tù, vợ tất tả vừa kiếm tiền nuôi con vừa thăm nuôi chồng. Tận cùng của khánh kiệt, chị đành nhờ chính quyền gửi cả 3 đứa con vào Làng SOS ở TP HCM. Chỉ ít lâu sau, mặc cảm với thân phận có cha giết người cướp của, 3 đứa con quay về và bắt đầu một hành trình làm thuê làm mướn, vật vờ và tăm tối như cuộc đời của cha.
Hơn 15 năm trong tù, Huỳnh Văn Nén từng có một cơ hội để được minh oan. Ấy là vào năm 2000, có một phạm nhân khi nghe tin Nén chuẩn bị ra tòa và khó thoát án tử hình đã tố cáo 2 hung thủ đã giết bà Lê Thị Bông và chính phạm nhân này tự nhận đã tham gia vào việc cùng đi bán chiếc nhẫn cướp được của bà Bông. Nhưng dù đã được gia đình và cả chính quyền xã Tân Minh nỗ lực kêu cứu, tất cả đến nay đều rơi vào im lặng khó hiểu.
Ông Nguyễn Thận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hàm Tân, cho biết khi Nén về sống ở xã Tân Minh thì ông làm công an xã nên biết rất rõ nhân thân cũng như tâm tính của Nén. Khi xảy ra 2 vụ trọng án liên quan đến Nén, ông làm chủ tịch UBND xã và chính ông đã làm rất nhiều đơn thư gửi cơ quan tố tụng đề nghị xem xét lại. |
Bình luận (0)