Hội thảo là một biện pháp trong Kế hoạch hành động triển khai Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố ứng xử các bên tại Biển Đông (DOC), do các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc thông qua tại cuộc họp tháng 1-2012 tại Bắc Kinh.
Mục đích hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong việc tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền gặp nạn ở Biển Đông, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và trật tự ở Biển Đông, qua đó xây dựng lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông chưa được giải quyết triệt để.
- Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài, với không ít khó khăn, thách thức để đạt được Tuyên bố DOC năm 2002 và gần đây là Tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC (2012).
Đây là hội thảo ASEAN - Trung Quốc tăng cường hợp tác trong tìm kiếm và cứu hộ người và thuyền đi biển gặp nạn. Một bộ phận quan trọng của tranh chấp DOC đó là các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai bên đã tham vấn để có thể thúc đẩy xây dựng lòng tin.
Tháng 1-2012, các quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc (SOM) đã thông qua chương trình công tác của ASEAN và Trung Quốc, trong đó có cuộc hội thảo về tìm kiếm, cứu hộ trên biển.
* Xin ông cho biết nội dung cuộc hội thảo quan trọng này?
- Nếu nhìn đơn lẻ, hội thảo này là một bộ phận trong xây dựng lòng tin. Hội thảo gồm 3 phần. Phần 1 là điểm lại tình hình, kinh nghiệm trong khu vực để xác định những biện pháp hợp tác. Phần hai là xác định những yếu tố có thể hợp tác đến công tác phối hợp trong cứu trợ nhân đạo đối với người, tàu thuyền đi biển gặp nạn. Và phần ba là đưa ra khuyến nghị chính sách ở cấp chuyên gia.
Cuộc hội thảo này sẽ tạo ra cho các nước sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, chú trọng đến mục đích nhân đạo, bảo đảm cho những người đi biển, ngư dân.
Việc này nằm trong tổng thể, nếu thực sự trong Biển Đông có những phức tạp, kể cả phức tạp về tranh chấp chủ quyền, người và tàu thuyền đi biển có thể gặp nạn do tình hình căng thẳng ở khu vực hay do thiên tai, thời tiết, dịch bệnh thì phải đặt mục đích nhân đạo lên hàng đầu.
Đối với những đòi hỏi về chủ quyền, tranh chấp thì vẫn phải dựa theo những nguyên tắc quan trọng đã được quy định trong tuyên bố DOC. Muốn hợp tác xây dựng lòng tin thì phải đảm bảo mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, tự do thông thương hàng hải ở khu vực này.
Muốn đạt được bức tranh chung về hòa bình, ổn định ở khu vực như vậy phải thực hiện những nguyên tắc luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS), đặc biệt giải quyết hòa bình tranh chấp và tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các bên theo UNCLOS.
* Việt Nam đã đưa ra những đề xuất nào tại hội thảo, thưa ông?
- Việt Nam đã đưa ra những đề xuất hỗ trợ nhân đạo cho người, tàu thuyền đi biển gặp nạn từ năm 2010 khi làm Chủ tịch ASEAN, trong đó có rất nhiều biện pháp có thể phù hợp cho cuộc hội thảo này. Việt Nam muốn chia sẻ tuyên bố này của ASEAN để hội thảo có thể xem xét và vận dụng biện pháp phù hợp.
Mấy điểm xung quanh tuyên bố đó vẫn là sáng kiến kết nối của Việt Nam và tiếp tục được nhân lên. Thứ nhất, phải thực hiện trên mục đích nhân đạo đối với những người, tàu thuyền đi biển gặp nạn. Họ là người vô tội. Không thể để vì cái này, hay cái kia trong khu vực mà ảnh hưởng đến mục tiêu, vấn đề nhân đạo. Thứ hai, các bên phải chia sẻ chính sách với nhau để làm sao có cơ chế phối hợp. Thứ ba, phải xác định được đầu mối của mỗi quốc gia trong khu vực để có thông tin chính xác về những công dân, ngư dân của nước này hay nước kia gặp nạn để có thể liên hệ trực tiếp với nhau hoặc với nước gần nhất.
Mỗi quốc gia khi tham gia vào dàn xếp, thỏa thuận hợp tác thì trong nguồn lực, khả năng của mình là có thể có những biện pháp hỗ trợ ban đầu cần thiết nhất trước khi nước có công dân có thể được cứu trợ.
Và cuối cùng, là xây dựng được cơ chế hợp tác trong khu vực. Cơ chế hợp tác này không chỉ cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm đối vối người đi biển, tàu thuyền gặp nạn mà còn tìm cách hỗ trợ năng lực cho mỗi quốc gia thành viên.
* Như vậy là xác định cơ chế hợp tác thành lập đường dây nóng giữa các quốc gia?
- Đây là một trong những cơ chế quan trọng để xác định đầu mối quốc gia cộng với thiết lập đường dây liên lạc tức thì nhưng phải xuất phát từ nhân đạo. Mọi sự tham vấn đều được tiến hành từng bước. Hy vọng những bước tham vấn như thế này sẽ dẫn đến những cam kết, thỏa thuận ở tầm khu vực.
Bình luận (0)