"Đến thời điểm này, hầu hết các đập, thủy điện chưa xây dựng được phương án bảo vệ đập và phương án phòng chống lụt bão cho vùng hạ du, nên để xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân".
Đó là ý kiến của ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương, tại Hội nghị Phổ biến công tác quản lý an toàn đập thủy điện, phòng chống lụt bão 2011, diễn ra ngày 19-7, tại Đà Nẵng, do Bộ Công Thương tổ chức.
Việc xây thủy điện ồ ạt ở Quảng Nam làm thay đổi dòng chảy các con sông tại địa phương này
và vùng Trung Trung Bộ. Ảnh: Thúy Phương
Coi thường tính mạng người dân
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến đầu năm nay, tổng công suất của nhà máy thủy điện là trên 8.000 MW (chiếm 35% tổng công suất nguồn điện Việt Nam). Cả nước có 71 thủy điện có công suất lớn hơn 10 MW của 61 đơn vị quản lý, vận hành.
Các nhà máy thủy điện đều có hồ chứa với dung tích đến vài tỉ mét khối và hệ thống đập để tích trữ, điều tiết nước nhưng đến nay vẫn còn nhiều thủy điện thực hiện chưa đúng quy trình về vận hành hồ chứa, nên xảy ra những sự cố đáng tiếc như: thủy điện Sông Ba Hạ, Hố Hô, An Khê Kanăk…
Đến thời điểm này, Bộ Công Thương mới nhận được báo cáo hiện trạng an toàn của 15 đập thủy điện. Tất cả các đập đã đến kỳ kiểm định an toàn đập nhưng vẫn chưa thực hiện. Thậm chí chỉ có vài đập xây dựng phương án bảo vệ đập nhưng nội dung chưa đầy đủ theo quy định và chưa được UBND tỉnh phê duyệt.
Một vấn đề hết sức cấp thiết là xây dựng phương án phòng chống lũ lụt nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho vùng hạ du do xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập nhưng các thủy điện vẫn không thực hiện.
Xả nước tùy… trời
Tại hội nghị, đại diện Nhà máy Thủy điện A Vương (Quảng Nam) cho rằng cần thiết lập biểu đồ ngập lụt ở hạ lưu để các thủy điện nắm được thông tin mà linh hoạt trong vấn đề xả lũ. Bởi hiện nay, chỉ có thông báo bao nhiêu km bị ngập lụt chứ không có địa điểm cụ thể nên rất khó cho các thủy điện.
Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên, cho rằng hiện nay hơn 20.000 ha lúa ở vùng hạ lưu sông Ba, tỉnh Phú Yên đang đứng trước nguy cơ chết khát bởi Thủy điện An Khê Kanăk (Gia Lai - Ban Quản lý dự án thủy điện 7 quản lý) xả nước không đúng quy định.
Khi mùa nắng, thủy điện An Khê Kanăk lại xả nước xuống sông Kôn, trong khi sông Ba thiếu nước tưới nông nghiệp.
Sau khi tỉnh Phú Yên kiến nghị lên Bộ Công Thương, thủy điện An Khê Kanăk đã đồng ý xả nước về sông Ba 4 m3/giây. Nhưng năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, lượng nước xả về sông Ba chỉ khoảng 1 m3/giây khiến nhiều cánh đồng ở Phú Yên bị chết cháy.
Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Đức Hòa, Phó Ban Quản lý dự án thủy điện 7, thanh minh rằng: Lỗi này là do "ông trời" bởi mưa quá ít nước.
Ông Đào Tấn Cam cũng cho rằng thông báo về việc xả lũ trước 2 giờ là quá ngắn, không kịp để các địa phương di dời dân đến nơi an toàn.
Vì vậy, ông Cam kiến nghị nên thông báo xả lũ ít nhất là trước 4 giờ để các địa phương đủ thời gian chuẩn bị. Đặc biệt, cần xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu tương ứng với tần suất xả lũ. Chẳng hạn, xả 1.000 m3/giây sẽ ngập ở xã A hay xã B để người dân biết được mà phòng chống.
Bình luận (0)