* Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng thủy điện mọc ra như nấm trong và xung quanh các khu rừng đặc dụng?
- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tại hội nghị an toàn hồ đập vừa tổ chức mới đây, Bộ Công Thương đã lưu ý hiện đang có tình trạng thủy điện lấn vào đất rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn.
Bộ Công Thương khẳng định việc thủy điện xâm hại vào rừng đặc dụng là sai, là hoạt động không nghiêm túc mặc dù các chủ đầu tư đã có báo cáo đầy đủ theo quy định.
Tôi xin nói rõ: Quan điểm của Bộ Công Thương là đối với các dự án thủy điện lấn và ảnh hưởng đến rừng đặc dụng thì phải sửa; đối với dự án sai phạm tới mức nghiêm trọng thì phải tạm dừng để có giải pháp khắc phục.
Tôi cho rằng nếu tình hình thủy điện cứ được chủ đầu tư lập dự án một cách không nghiêm túc như vừa qua là rất đáng lo ngại.
* Phát triển các dự án sản xuất điện là cần thiết nhưng việc chạy đua lập dự án thủy điện ở rừng đặc dụng sẽ để lại nhiều hậu quả rất lớn về bảo tồn, mất tài nguyên và nhất là lũ lụt ở hạ du?
- Quan điểm của Bộ Công Thương là thủy điện không được đụng tới rừng đặc dụng, vườn quốc gia hay khu bảo tồn. Xin khẳng định rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn là tài sản của đất nước, có vai trò bảo vệ môi trường, chống lũ lụt cho hạ nguồn.
Vì thế, nguyên tắc số một là không được đụng chạm vào rừng đặc dụng, chỉ trừ trường hợp là công trình quan trọng quốc gia, khi xin ý kiến về mặt chủ trương của Quốc hội thì buộc phải xem xét và đến lúc đó sẽ tính.
Thủy điện Nậm Giải xây dựng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt- Nghệ An khiến sông Nậm Giải thành “dòng sông chết”. Ảnh: HẢI VŨ
* Có phải chủ đầu tư khi báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện thường sao chép và không đúng với thực tế?
- Tôi xin nói rõ Bộ Công Thương luôn có thái độ hết sức cương quyết đối với các dự án sai phạm trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Có thể nói đây là hành vi gian lận nên cần phải đấu tranh, thậm chí bác bỏ các dự án thủy điện có báo cáo đánh giá tác động không đúng với thực tế.
Bên cạnh đó, về lâu dài cần nâng cao chất lượng các tổ chức tư vấn, đơn vị thực hiện xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để ngăn chặn các báo cáo không sát thực tế.
* Thưa bộ trưởng, phải chăng chủ đầu tư xây dựng thủy điện bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nên bên tư vấn phải “phục vụ” lợi ích của người bỏ tiền?
- Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án thủy điện có quyền thuê một tổ chức tư vấn khác thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi báo cáo hoàn thành mà không phù hợp, thậm chí làm giả thì các cơ quan chức năng phải cương quyết không chấp nhận.
* Để hạn chế tình trạng báo cáo đánh giá tác động môi trường theo kiểu “cắt dán”, Bộ Công Thương có tính đến việc thay đổi quy định cho phép chủ đầu tư bỏ tiền thuê đơn vị tư vấn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường?
- Hiện quy định này vẫn đang áp dụng nhưng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để có điều chỉnh hợp lý nhất.
Đang kiểm tra, rà soát
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết Bộ NN-PTNT đang tiến hành kiểm tra, rà soát việc thủy điện lấn vào đất rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn.
“Hiện Bộ NN-PTNT đã giao cho các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra thực tế một cách cụ thể. Sau đó, Bộ NN-PTNT sẽ có ý kiến và kiến nghị chính thức đối với các dự án thủy điện ảnh hưởng đến rừng đặc dụng”- Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. |
Bình luận (0)