Dự án duy tu sông Đồng Nai đang bị đình chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vì chủ đầu tư có nhiều vi phạm trong quá trình nạo vét, chỉ còn hoạt động tại TP HCM. Thế nhưng, mới đây, người dân TP HCM cũng phản ánh rằng chủ đầu tư có vi phạm về thời gian, luồng tuyến. Cụ thể, UBND phường Long Bình, quận 9 vừa có văn bản gửi UBND quận 9 về những phản ánh của người dân khu phố Phước Thiện đối với hoạt động nạo vét của Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước).
Ngoạm sát bờ sông
Bà Hoàng Thị Bích Diệp (ngụ khu phố Phước Thiện, phường Long Bình, quận 9) cho biết sà lan có gầu ngoạm của Công ty Hiệp Phước liên tục thi công nạo vét từ 5 giờ 30 phút đến 22 giờ 30 phút, suốt 7 ngày trong tuần. Thậm chí, có những thời điểm, sà lan di chuyển vào gần bờ, khoảng 30-40 m để cạp cát, nhất là vào sáng sớm và chiều tối. “Điều này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Chúng tôi không thể chờ từ 5-7 năm để chứng minh hậu quả của hoạt động này. Mong chính quyền đình chỉ và chấm dứt hoạt động khai thác cát của Công ty Hiệp Phước” - bà Diệp kiến nghị. Trên cơ sở phản ánh của bà Diệp, UBND phường Long Bình đề nghị sớm cấp kinh phí và trang thiết bị để giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Hiệp Phước, tránh việc lợi dụng hoạt động nạo vét luồng lạch để khai thác cát ngoài phạm vi luồng nạo vét.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP HCM giám sát định kỳ hoạt động nạo vét sông Đồng Nai của Công ty Hiệp Phước
Dự án nạo vét, duy tu luồng tuyến sông Đồng Nai do Công ty Hiệp Phước làm chủ đầu tư đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép. Theo đó, phạm vi nạo vét là 1/3 luồng phía bên phải, tức là cách bờ phía quận 9 tối thiểu 150 m, thời gian thi công từ 7 giờ đến 17 giờ, khu vực nạo vét phải được cắm phao đỏ cảnh báo. Ông Hoàng Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy nội địa phía Nam (Bộ GTVT), cho biết chưa nhận được phản ánh về những vi phạm trong quá trình hoạt động của Công ty Hiệp Phước nhưng hứa qua thông tin báo chí sẽ làm rõ vấn đề này. Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, trách nhiệm giám sát, theo dõi hoạt động nạo vét là của UBND quận 9 và Sở GTVT. “Tôi được biết mới đây, UBND TP HCM đã chỉ đạo Sở GTVT phải kiểm tra việc đo đạc. Tôi có cử người tham gia đoàn đo đạc này. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ xử lý nếu có sai phạm” - ông Hùng khẳng định.
Tuy vậy, theo một lãnh đạo quận 9, việc giám sát hoạt động nạo vét của Công ty Hiệp Phước phải do ngành GTVT thực hiện chứ địa phương không đủ kinh phí và phương tiện.
Giám sát độc lập lại do chủ đầu tư thuê?!
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng Chi cục Thủy nội địa phía Nam mới là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát hoạt động nạo vét của Công ty Hiệp Phước cũng như giải quyết các phản ánh của người dân. Sở GTVT chỉ giám sát định kỳ 1 lần/tháng, bắt đầu từ tháng 11 theo đúng nhiệm vụ mà UBND TP giao. Hoạt động kiểm tra, giám sát gồm đo đạc lòng sông để giám sát độ sâu, giám sát các phương tiện nạo vét, giám sát khối lượng sản phẩm tận thu để tính thuế tài nguyên, giám sát các phương án bảo vệ môi trường và chống sạt lở bờ sông… Thế nhưng, trong kế hoạch kiểm tra định kỳ của Sở GTVT, đơn vị tư vấn giám sát độc lập lại do chủ đầu tư ký hợp đồng. Điều này khiến dư luận lo lắng về tính khách quan trong kết quả đo đạc. Bởi lẽ, một cuộc khảo sát, đo đạc độ sâu lòng sông vào tháng 4 đã không thể tiến hành vì năng lực của đơn vị tư vấn giám sát độc lập quá yếu. Đơn vị tư vấn giám sát lúc ấy cũng do chủ đầu tư thuê. Tuy nhiên, ông Minh trấn an: “Trong quá trình giám sát, cơ quan chức năng sẽ theo dõi và ký vào kết quả kiểm tra nên không thể giả mạo kết quả được. Nếu phát hiện tư vấn giám sát không trung thực thì đoàn kiểm tra sẽ yêu cầu chủ đầu tư hủy hợp đồng”.
Ngày 13-11, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GTVT chủ trì đã tiến hành kiểm tra định kỳ lần đầu đối với dự án nạo vét, duy tu sông Đồng Nai. Vì thiết bị đo đạc bị hư giữa chừng nên đoàn kiểm tra mới chỉ xác định được phạm vi đo đạc. Các nội dung quan trọng như độ sâu lòng sông, khối lượng tận thu… vẫn chưa được làm rõ. Phương tiện nạo vét là 4 cẩu múc và 4 sà lan chở bùn cát nạo vét, trải dài từ cảng Long Bình đến cù lao Phước Thiện. Hiện Sở GTVT chưa lên được kế hoạch đo lại.
Dự án ở Đồng Nai vẫn tạm dừng
Ông Trần Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết Công ty Hiệp Phước được tỉnh đồng ý cho đăng ký khối lượng tận thu nạo vét trong 6 tháng nhưng mới hoạt động trong thời gian ngắn thì đã có nhiều vi phạm như sai luồng tuyến, nạo vét quá độ sâu cho phép... Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định tạm đình chỉ dự án, yêu cầu doanh nghiệp có phương án khắc phục sai phạm, đồng thời báo cáo Bộ GTVT để có phương án xử lý. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sửa đổi một số quy định liên quan đến thủ tục rà soát, thăm dò các mỏ khoáng sản và đăng ký tận thu khoáng sản. Trong thời gian chờ đợi ý kiến và hướng dẫn từ 2 bộ, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn cho tạm dừng dự án.
Bình luận (0)