Trọn vẹn nhất khi nghĩ về giáo sư Trần Văn Giàu là nghĩ về một nhà cách mạng, một nhân cách trí thức sáng ngời trong sự nghiệp cách mạng.
GS Trần Văn Giàu (phải) trao giải thưởng “Trần Văn Giàu” lần 2 - năm 2005
cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về công trình “Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn”. Ảnh: MAI HẢI
Tỏa sáng nhân cách của một trí thức dấn thân
Cách mạng không chỉ trong ý nghĩa lật đổ áp bức, bất công, giành lại độc lập cho dân tộc dù phải tù đày, cùm kẹp. Cách mạng còn trong việc tận hiến cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp vì nước vì dân, vì khát vọng dân chủ và tự do. “Từ lúc tham gia cách mạng đến nay, tính ra chỉ có 31 ngày tôi không lao động, đó là lúc bị thực dân Pháp cầm tù trong căn phòng chưa đầy 4 m2, bốn bề cách biệt”(¹) theo hồi ức của ông, “một người làm cách mạng chuyên nghiệp” như tuyên bố dõng dạc trước tòa án thực dân của người thanh niên trí thức đã rời nước Pháp, bỏ dở tấm bằng luật sư vốn là ước vọng của gia đình.
Người thanh niên ấy biết rõ nơi quê hương yêu dấu của anh không phải là vòng tay thân thương của cha mẹ và người vợ trẻ mà là cánh cổng của Khám lớn Sài Gòn đang chờ sẵn. Chính nơi đây, anh phải “lấy trung làm hiếu chứ làm sao khác được”(²).
Phẩm tiết cách mạng của người trí thức ấy không chỉ biểu lộ ra trong tù đày, cùm kẹp, nơi nước sôi lửa bỏng mà còn trong sự hiếu thuận với cha mẹ và sự chung thủy gắn bó với người bạn đời của mình.
Ấy vậy mà người đã sống trọn “tuổi trời” đó “chỉ viết hồi ký khoảng thời gian 1940-1945, vì đó là thời gian sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời”.
Và cũng chỉ viết với một mục đích hết sức khiêm nhường là “chỉ mong cho cháu một đời sau mình biết được rằng ông nó đã gắng sức làm tròn trách nhiệm ở đời, đã sống có nhân cách. Thế là đủ” như ông đã ghi trong “Lời nói đầu” ngày 27-10-1995 trong “Hồi ký” của mình.
Trân trọng sự khiêm nhường của ông, nhưng cuộc đời hiểu rất rõ rằng bên cạnh quãng “thời gian sống có chất lượng hơn hết trong cuộc đời” của nhà cách mạng ấy như ông tự nhận định, phần còn lại trong sự nghiệp Trần Văn Giàu vẫn tỏa sáng nhân cách của một trí thức dấn thân cho nghĩa cả của cuộc đời, biết sống và dám sống.
Dằng dặc một tấm lòng yêu dân tộc
Con người ấy vẫn ung dung tự tại trên đôi guốc mộc, đi từ một căn phòng khiêm tốn của hai ông bà ở phố Phan Huy Chú sang phố Hàng Chuối, Hà Nội, nơi làm việc của Viện Sử học trong Ủy ban Khoa học Xã hội VN, cần mẫn như một con ong thợ cùng với những môn sinh và bạn đồng nghiệp xây nên nền sử học của nước nhà.
Là người thầy của thế hệ những nhà sử học có tên tuổi hiện nay, trên bục giảng hay trong một hội thảo khoa học, con người “trong thời điểm khó khăn nhất, khi các cơ sở cách mạng bị phá vỡ gần như tất cả, thế mà ông vẫn xây dựng được đội quân lên đến gần triệu thanh niên, trí thức trong vòng năm tháng.
Trực tiếp lãnh đạo đội quân (không chính quy) ấy giành chính quyền ở miền Nam đúng khi thời cơ chạm cửa... ấy vẫn sôi nổi và chân thành trong sự hào sảng “rất Nam Bộ”.
Quả thật, trong những nhà khoa học cầm bút, không mấy ai viết được nhiều như ông! Và rồi, như lời của vị tổng thư ký công trình “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” kể tiếp: “Năm ngoái, dù tuổi đã 99, lần tôi đến thăm, ông vẫn hừng hực nói về những vấn đề dân tộc mà mình quan tâm. Trong ông Sáu Giàu dằng dặc một tấm lòng yêu dân tộc và điều ấy chưa bao giờ nguôi cho đến lúc ông về với đất”(³).
Tiễn đưa ông về với đất mẹ, càng thấm thía hơn về sự nghiệp của ông đã góp vào công cuộc xây dựng nền văn hóa VN, hình thành cốt cách con người VN, càng hiểu được bản lĩnh cách mạng của nhà cách mạng, nhà khoa học lịch sử, nhà giáo dạy sử ấy. Ông đã tỏ rõ một nhân cách trí thức xứng đáng đi vào lịch sử.
Chính bản lĩnh của nhà cách mạng từng gánh vác trọng trách của Đảng nay trở về làm người thầy giáo dạy sử, làm nhà khoa học lịch sử, góp phần viết nên lịch sử theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó, đã ngời sáng một nhân cách trí thức trong lịch sử đương đại. |
(1) Báo Đại Đoàn Kết, ngày 18- 12- 2010. (2) Báo Tuổi Trẻ ngày 19-12- 2010. (3) Báo Pháp Luật TPHCM ngày 20-12- 2010.
Bình luận (0)