Sáng 23-12, tiết trời TPHCM se lạnh, nhiều mây như cũng tiếc thương tiễn đưa GS - Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Đúng 8 giờ 45 phút, chiếc xe tang đưa linh cữu GS Trần Văn Giàu về đến Hội trường TPHCM, nơi tổ chức tang lễ.
Sau các nghi thức chuẩn bị, đúng 10 giờ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là vị lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Đảng, Nhà nước viếng linh cữu GS Trần Văn Giàu.
Sau khi chia buồn cùng thân quyến cố giáo sư, Chủ tịch nước ghi vào sổ tang: “Kính viếng đồng chí Trần Văn Giàu, người con ưu tú của Nam Bộ thành đồng, người lãnh đạo tài năng, người trí thức, nhà khoa học uyên bác, người đảng viên cộng sản kiên trung. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí thật to lớn và mãi mãi ngời sáng!”.
Tiếp đó, các đoàn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Thành ủy, HĐND, UBND... đã lần lượt vào viếng linh cữu GS Trần Văn Giàu. Tổng Lãnh sự Cộng hòa Liên bang Nga tại TPHCM cũng đến viếng và chia buồn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội, xúc động ghi trong sổ tang: “Bác Trần Văn Giàu, nhà cách mạng tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, luôn sống mãi và để lại tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân, các thế hệ trí thức Việt Nam”.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải viết: “Bác là bậc lão thành cách mạng có công to lớn tổ chức cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. GS Trần Văn Giàu là nhân tài của nước Việt Nam, luôn giữ hào khí của người Nam Bộ”.
Đoàn Thanh niên quận 3 - TPHCM vào viếng linh cữu GS Trần Văn Giàu, ngày 23-12
Nhiều đoàn đại biểu lặng lẽ xếp hàng vào viếng GS Trần Văn Giàu. Ông Tô Bửu Giám, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu, viết: “Ngày dạy sử, đêm viết sử, miệt mài đào tạo cán bộ sử, cả cuộc đời là một pho sử đẹp.
Sống trong dân, học ở dân, phục vụ dân suốt đời, giải thưởng cao nhất: Được dân yêu dấu”. Tiến sĩ sử học Đinh Thu Xuân, con gái nuôi của cụ Giàu, xúc động: “Chúng con nguyện suốt đời noi theo tấm gương sáng như sao Khuê với nhiều nhân cách lớn, sống một cuộc đời nhưng trải nghiệm nhiều cuộc đời: Người chiến sĩ kiên cường”.
Có mặt từ sáng sớm, khi lễ viếng mới bắt đầu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người được UBND TPHCM trao giải thưởng Trần Văn Giàu (lần 2), tâm sự với chúng tôi: “Với tính cách cởi mở, tư tưởng rộng rãi, kiến thức uyên thâm, bác Sáu Giàu có khả năng quy tụ được tầng lớp trí thức, kể cả những nhà khoa học nước ngoài, những người có tư tưởng khác nhau để cùng chung mục đích giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước độc lập, mang lại tự do cho người dân”.
Để lại niềm tiếc thương vô hạn
“Vô cùng thương tiếc GS - Nhà giáo Nhân dân - Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, một nhà cách mạng kiên trung, nhà khoa học lớn của đất nước, một nhân cách lớn với nhiều thế hệ Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta.
Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước ta, Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam Bộ, TPHCM, giới sử học và ngành giáo dục Việt Nam. Rất biết quy luật của tạo hóa là vậy, nhưng sự ra đi của Bác Sáu về cõi vĩnh hằng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào cả nước, cho quê hương Long An “trung dũng, kiên cường”, cho miền Nam thành đồng Tổ quốc, cho thành phố mang tên Bác kính yêu mà bác Sáu đã nhiều năm gắn bó”.
(Trích lời viếng của Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM trong sổ tang. Tựa box do Báo NLĐ đặt) |
Bình luận (0)