ĐBSCL có khoảng 26 cảng biển lớn nhỏ. Yếu tố quyết định quy mô và năng lực của hệ thống cảng biển nơi đây là khả năng nạo vét các cửa sông, hệ thống kênh rạch của cả vùng. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, việc duy tu, nạo vét luồng sông, kênh rạch không hiệu quả trong khi nhiều sông, kênh rạch bị bồi đắp, cạn dần gây tác động lớn đến giao thương, vận chuyển hàng hóa cho cả vùng.
Không thể phát huy năng lực
Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng sự không đồng bộ giữa quy mô cầu bến cảng và luồng vào cảng là tồn tại lớn nhất đối với nhóm cảng biển ĐBSCL. Cao độ tự nhiên đáy luồng cửa Tiểu (sông Tiền), cửa Định An, Trần Đề (sông Hậu), cửa Bồ Đề (sông Cửa Lớn) và nhiều cửa sông khác chỉ cho phép tàu biển trọng tải 1.000-2.000 DWT đầy tải và 3.000-5.000 DWT giảm tải, lợi dụng thủy triều cao để hoạt động. Việc khắc phục trở ngại tại các luồng hàng hải ở các cửa sông chậm được triển khai so với yêu cầu đặt ra.
Còn theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, sau khi đưa vào khai thác các tuyến luồng, kênh rạch ở ĐBSCL thì nhà nước cần phải đầu tư khoảng 2 triệu USD/km/năm để duy tu, nạo vét. Tuy nhiên, do ngân sách eo hẹp nên hiện công việc này gặp trở ngại, ảnh hưởng đến giao nhận hàng hóa.
Trong khi bị bồi lấp, trên hầu hết tuyến kênh chính, mật độ phương tiện lưu thông khá cao, gây quá tải. Điển hình như trên kênh Chợ Lách - sông Mang Thít, phương tiện hàng rời, chở cát tham gia giao thông neo đậu chờ nước gây tắc giao thông thủy. Nguyên nhân do độ sâu luồng bị cạn dần, hiện còn khoảng 2,6 m (đoạn Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre và huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long); cùng với tĩnh không cầu thấp (7 m), khoang thông thuyền nhỏ dưới 30 m, mớn nước trung bình 5 m, bán kính cong luồng khá nhỏ. Do đó, các phương tiện chở container loại 36/54 TEU bị cản trở, mắc kẹt làm ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, trên một số tuyến kênh có nhiều phương tiện khai thác cát ban đêm hoặc các kho gạo, cơ sở chế biến lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây cản trở phương tiện vận chuyển hàng hóa. “Luồng không được nạo vét hằng năm nên bị bồi lắng, chuẩn tắc không bảo đảm làm cho phương tiện thủy thường bị mắc cạn” - một lãnh đạo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) nhận định. Theo vị này, sau 13 năm khai thác luồng tuyến, cảng bến, cả vùng ĐBSCL chỉ mới duy tu, nạo vét được khoảng 250.000 m3. Vì vậy, nhiều tuyến kênh như Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang… vẫn còn khá nhiều điểm, khu vực bị bồi đắp, cạn dòng.
Do những nguyên nhân nói trên, lượng hàng hóa qua cảng ở ĐBSCL những năm gần đây thấp, dao động từ 6,5-8,5 triệu tấn/năm. Năm 2014, đạt 9,4 triệu tấn nhưng mới chỉ đảm nhận được khoảng 20%-25% tổng lượng hàng hóa có nhu cầu vận tải bằng đường biển và cả vùng. Gần 80% hàng hóa của vùng vẫn phải tiếp chuyển qua các cảng ở Đông Nam Bộ. Trong khi đó, những cảng lớn như Cái Cui (Cần Thơ) được xây dựng từ năm 2006 có thể đón tàu 20.000 DWT nhưng không thể phát huy năng lực do phải nằm chờ kênh Quan Chánh Bố.
Bức tử kênh huyết mạch
Kênh Vĩnh Tế có điểm đầu kết nối với sông Hậu trên địa bàn TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và điểm cuối nối với sông Hà Giang để ra cửa biển Đông Hồ thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến kênh này gần 90 km. Đây được xem là tuyến kênh huyết mạch dẫn nước từ sông Hậu cung cấp cho cả vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần TP Cần Thơ. Thế nhưng, tuyến kênh này đang bị thu hẹp, đặc biệt là đoạn qua huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại ấp Cống Cả, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành có một số nhà dân mới xây dựng khá kiên cố và lấn chiếm lòng kênh Vĩnh Tế. Nhiều hộ còn đổ cả đất, đá để làm bãi tập kết hàng hóa khiến đoạn kênh này bị hẹp về phía Quốc lộ N1. Còn tại ấp Đồng Cừ, xã Vĩnh Điều, một doanh nghiệp xây luôn cả bờ kè ra xa kênh Vĩnh Tế để cho các ghe có nơi neo đậu và bốc xếp vật liệu xây dựng với quy mô lớn. Trong khi đó, đoạn kênh Vĩnh Tế đi qua địa phương này cũng đang bị cạn dần do bồi lắng nhiều năm nhưng chưa được nạo vét. “Tuyến kênh này thuộc danh mục đầu tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên chúng tôi đã kiến nghị về tỉnh để đề xuất với trung ương sớm cấp kinh phí nạo vét vì nó đã quá cạn rồi” - ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Giang Thành, nói.
Không chỉ kênh Vĩnh Tế, theo thống kê mới đây của Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang, hiện trên sông Tiền và sông Hậu có hơn 40 vị trí neo đậu lồng bè để nuôi cá, trong đó có 10 điểm lấn chiếm luồng lạch làm bồi lắng, gây ảnh hưởng dòng chảy của 2 con sông lớn này. Các cơ quan quản lý đường thủy từng kiến nghị ngành nông nghiệp quy hoạch, bố trí lại các khu vực neo đậu bè song do những làng bè nuôi cá lâu đời nên nếu quy hoạch thì không có vị trí khác phù hợp. Ngoài ra, hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lấn chiếm bờ sông làm bãi tập kết hàng hóa. Điển hình như tại bến phà Vàm Cống cũng bị lấn chiếm làm bãi tập kết gỗ quy mô lớn.
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực đầu kênh Rạch Sỏi - Hậu Giang tiếp giáp với sông Hậu có khá nhiều bến bãi, băng tải hàng hóa của các cơ sở kinh doanh lúa gạo và nhà cửa lấn ra lòng kênh. Xuôi theo dòng kênh Rạch Sỏi qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) về huyện Tân Hiệp đến TP Rạch Giá (Kiên Giang), dọc bên bờ trái san sát nhà sàn, nhà bê-tông kiên cố. Tại đây có vô số bến bãi hằng ngày tập kết hàng hóa với rất nhiều phương tiện giao thông thủy neo đậu, chiếm gần hết lòng kênh, gây ra ùn tắc giao thông. Trên các tuyến kênh khác nối từ sông Hậu qua địa bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang cũng đang trong tình trạng tương tự.
Sẽ xây dựng nhiều cảng ngoài khơi
Theo Bộ Giao thông Vận tải, do hiện nay các tuyến luồng ở ĐBSCL chỉ mới cho tàu có trọng tải dưới 20.000 DWT vào nên trong thời gian tới sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng ngoài khơi vùng biển có khả năng tiếp nhận tàu từ 30.000-100.000 DWT. Một số địa điểm có thể đầu tư như: ngoài khơi vùng biển cửa sông Hậu thuộc huyện Duyên Hải (Trà Vinh), cửa Trần Đề (Sóc Trăng), cửa Gành Hào (Bạc Liêu), quần đảo Hòn Khoai (Cà Mau), đảo Nam Du (Kiên Giang).
Biến sông thành… nhà
Ở các huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Phụng Hiệp (Hậu Giang), kênh rạch không được nạo vét thường xuyên nên lục bình ken dày, dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước không được khơi thông. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhà nông gặp rất nhiều khó khăn ở thời điểm hạn, mặn diễn ra vì nước ngọt tại những đoạn kênh, rạch này không thể chảy vào đồng ruộng. Một người dân huyện Long Mỹ bức xúc: “Nghe nói mỗi năm ngành thủy lợi đầu tư số tiền không nhỏ để nạo vét kênh, rạch. Thế nhưng, việc nạo vét này diễn ra ở đâu chứ nơi tôi ở thì lâu lắm rồi không thấy. Vì thế, lục bình mới phát triển dữ dội”.
Con sông 2 bên Quốc lộ 91 đi qua quận Ô Môn và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) thời gian gần đây đã bị xóa sổ do người dân lấn chiếm xây dựng nhà ở. Lý do là vì nhiều đoạn sông không được nạo vét nên lâu ngày bồi lắng gần bằng mặt lộ. Nếu như trước đây, người dân phải xây cầu bắc qua sông để vào nhà thì nay họ chỉ cần đổ thêm ít đất, đá thì có thể san bằng mặt sông cũ để nhà mình ra mặt tiền đường.
Theo báo cáo của Phòng Kỹ thuật đường sông (Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 13), hiện địa bàn do đơn vị quản lý có 19 tuyến sông, kênh. Trong đó, phần lớn các tuyến trên địa bàn Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang đều bị lấn chiếm với gần 20.000 căn nhà, công trình kiến trúc xâm phạm hành lang bảo vệ luồng. Có những công trình lấn từ bờ ra 12-15 m, khoảng cách từ công trình cách mép luồng chỉ 1-2 m. Ngoài ra, các tuyến giao thông thủy đi qua vùng Tứ giác Long Xuyên bị xâm phạm bởi hàng loạt cầu treo do người dân, đoàn thể địa phương vận động đóng góp thực hiện nhưng không bảo đảm độ thông thuyền.
Bình luận (0)