xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sông, suối Đồng Nai kêu cứu!

Bài và ảnh: XUÂN HOÀNG

Các con sông, suối, rạch ở vùng ven Đồng Nai đang bị đe dọa, nếu không cứu kịp thì ắt sẽ tốn cả đống tiền khắc phục

Trong khi ở trung tâm TP Biên Hòa, Đồng Nai, các dự án nạo vét, cải tạo sông, suối có kinh phí cả ngàn tỉ đồng hơn chục năm chưa thực hiện xong thì hiện những con sông, suối, rạch ở vùng ven cũng bắt đầu bị đầu độc, buộc phải có kế hoạch “giải cứu”.

Đầu độc không thương tiếc

Chiều 24-2, có mặt tại suối Ông Hường (ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), chúng tôi chứng kiến con suối này gần như đã “chết”. Một người dân cho biết cách đây gần chục năm, người ta còn có thể sử dụng nước ở suối này để tắm giặt, tưới tiêu. Thế nhưng giờ đây, chúng tôi chứng kiến tại đây chỉ còn là những vũng nước đóng màng đặc quánh, thậm chí không chảy được, mùi hôi thối nồng nặc.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ấp Ông Hường, cho biết đã rất nhiều lần phản ánh, kêu cứu lên chính quyền nhưng đến nay dòng suối “coi như đã chết”. Và thế là, dòng suối đen này cứ thế đổ ra sông Đồng Nai. Còn ở đầu nguồn, rất nhiều hộ chăn nuôi heo, hàng loạt xí nghiệp, nhà máy chế biến gỗ vẫn vô tư xả thải.

Suối Ông Hường trong tình trạng gần “chết”
Suối Ông Hường trong tình trạng gần “chết”

Tại huyện Vĩnh Cửu, ngoài suối Ông Hường còn có rạch Mọi đang bị tắc nghẽn vì chất thải khiến người dân phải kêu trời. Tại huyện Long Thành, các suối Điệp, Nước Trong, Phước Bình đang “ngắc ngoải” . Huyện Nhơn Trạch có suối Rạch Đông bị ô nhiễm nặng. Tại huyện Thống Nhất, thời gian qua, người dân liên tục phản ánh tình trạng các loại rác thải đổ chất đống, tràn lan trên các khu vực gần sông, suối; mỗi lúc trời mưa là rác thải cùng với các chất nguy hại tràn ra môi trường, theo dòng nước hôi thối đổ xuống suối.

Còn tại những vùng có các KCN, dù có được kiểm soát nhưng các con suối, dòng sông vẫn bị bức tử. Khảo sát xung quanh các KCN ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom… chúng tôi ghi nhận dù nhiều nơi vẫn đang là làng xóm thôn quê cảnh sắc thanh bình nhưng không còn một dòng suối nào được gọi là trong xanh. Các con suối, kênh rạch đều rơi vào tình trạng đục ngầu, tắc nghẽn vì chất thải.

Gần đây, Trung tâm Quan trắc và Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước mặt tại hơn 100 điểm thuộc các sông, suối, hồ trên địa bàn và kết quả cho thấy nhiều nơi bị ô nhiễm nặng, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

“Đừng mơ có các dòng suối trong xanh nữa chú ơi, đó là chuyện xa xưa rồi. Giờ đây chỉ mong các dòng chảy không ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến môi trường là mừng lắm rồi. Kêu hoài nhưng đâu có được…” - ông Nguyễn Văn Hưởng, dẫn chúng tôi ra một dòng suối đang “ngắc ngoải” ở huyện Vĩnh Cửu, lắc đầu.

Thấy nhưng chịu?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tình trạng ô nhiễm trên địa bàn là do các chất thải từ các KCN, hệ lụy từ khai thác khoáng sản tại nhiều khu vực, các hộ chăn nuôi xả thải tràn lan trong nông nghiệp chưa được kiểm soát và ý thức xử lý chất thải sinh hoạt của người dân cũng chưa cao.

“Chăn nuôi tràn lan không theo quy hoạch khiến cả khu vực xung quanh như bị đày đọa, có khu vực người dân trồng hoa, cây cảnh nhưng lại xen lẫn với các hộ nuôi heo quy mô lớn nên nhiều người phải mang vạ, suối rạch ứ đọng vì chất bẩn, người dân thậm chí phải bỏ cả ruộng vườn, ao hồ vì không thể canh tác”, một cán bộ môi trường nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho rằng vấn đề kiểm soát ô nhiễm tại các con suối, rạch vùng ven từ lâu chủ yếu chỉ được quan tâm từ lúc quy hoạch các KCN, khu sản xuất. “Tất nhiên phải quan tâm ngay từ đầu đối với các vùng đang trong giai đoạn đô thị hóa thì mới hiệu quả…” - ông Thường nói.

Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cũng đang “đau đầu” với tình trạng đổ rác trộm ở khắp nơi. Một bãi rác khổng lồ tại ranh giới xã Phước Bình, Bàu Cạn - huyện Long Thành bước đầu được xác định thủ phạm là một công ty sản xuất mì gây nên. Bãi rác này đang uy hiếp nghiêm trọng dòng suối Phước Bình, nơi cung cấp nước tưới tiêu cho khu vực. Ngoài ra, nhiều “cánh đồng rác” khổng lồ tại xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom), xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã buộc cả lực lượng cảnh sát môi trường của Bộ Công an phải vào cuộc. Mới đây nhất, đã xử phạt nặng một công ty gây ô nhiễm đối với rạch Mọi ở huyện Vĩnh Cửu, chảy thẳng ra sông Đồng Nai. Thế nhưng, tình trạng vẫn không cải thiện là mấy.

Trước thực trạng ô nhiễm tấn công sông, suối, rạch, UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu rà soát, kiểm soát kỹ hệ thống thoát nước bên ngoài các KCN, tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải để tránh tình trạng lập lờ gây ô nhiễm. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng xả thải bẩn, xử phạt nghiêm các hành vi hủy hoại môi trường.

Bài học ngàn tỉ

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức nạo vét rạch ông Kèo, huyện Nhơn Trạch với kinh phí hơn 20 tỉ đồng. Tại TP Biên Hòa, ngoài suối Linh, Săn Máu đang được cải tạo lâu dài với số vốn cả ngàn tỉ đồng, hiện các suối Cầu Quan, Chùa, Bà Lúa cũng đang trong kế hoạch được cải thiện.

Những dự án khơi thông những dòng sông, suối, rạch, kênh trên tính sơ cũng ngốn ngàn tỉ đồng. “Bài học nhãn tiền đã thấy, giờ không lo cứu các con sông, suối, rạch vùng ven khi nó chưa chết hẳn thì ngân sách sau này sẽ chi rất lớn” - một người dân sống bên con suối Ông Hường bức xúc nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo