Con sông chảy qua thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải - Bạc Liêu ngày một rộng dần ra, lấn sâu vào ngôi chợ sầm uất. Vào những mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở đây phải mất ăn mất ngủ vì ám ảnh cảnh nhà bị trôi sông.
Thắc thỏm “chạy sông”
Đến nay, người dân Gành Hào vẫn còn nhớ như in câu chuyện về một xóm gần 10 căn nhà nằm bên kia sông nửa đêm bỗng dưng biến mất. Đó là sự khởi đầu cho những cuộc “chạy sông” đầy bất trắc kéo dài hàng chục năm qua của người dân sống ven sông này.
Dù biết cất nhà ven sông sớm muộn gì cũng gặp nguy cơ sạt lở nhưng nhiều người vẫn cứ mãi bám víu vào những thước đất cuối cùng, chấp nhận sống chung với bất trắc. Ông Dương Văn Mập ở chợ Vàm Đầm (huyện Đầm Dơi - Cà Mau) tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn vừa dựng lại sát bờ sông. “Hễ nghe mưa rơi, nước ròng sát là không dám ngủ vì sợ lở đất. Bây giờ, nhà tôi không làm cửa nẻo gì, để có sụp lở đất còn kịp chạy thoát thân” – ông Mập tiết lộ.
Khai thác cát trái phép khiến tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL. Ảnh: QUỐC DŨNG
Bà Trang Bạch Tuyết, bán tạp hóa ở chợ Vàm Đầm, cho biết do không có chỗ làm ăn nên phải bám ở đây. “Đất sụp lở không tài nào chống đỡ nổi. Nhiều người mướn thợ lặn mò đồ đạc phát hiện quanh mé sông có rất nhiều hàm ếch ăn sâu bên dưới do tàu cao tốc chạy với tốc độ kinh hoàng làm dòng chảy biến đổi, tác động mạnh vào bờ gây sạt lở. Mấy ngày qua đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt cặp bờ, kinh khủng lắm”- bà Tuyết lo lắng.
Khai thác cát lậu tràn lan
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có 47 điểm sạt lở đất bờ sông, trong đó 5 điểm nằm trong khu vực nghiêm trọng, gần khu dân cư. Quốc lộ 91, đoạn bị sạt lở cắt ngang đường năm 2010 nay đã được phục hồi song vẫn là khu vực nguy hiểm.
Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh An Giang, nhận định cùng với tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy đột ngột, việc các nước ở thượng nguồn sông Mekong xây đập trữ nước, sau một cơn mưa lớn, lượng nước ở thượng nguồn đổ về nhanh hơn cũng làm gia tăng nguy cơ sạt lở phía hạ nguồn.
Một nguyên nhân khác khiến tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp và nhanh chóng như hiện nay là khai thác cát. Ông Thư cho rằng khi tiến hành cấp phép cho một đơn vị khai thác cát, ngành chuyên môn phải tiến hành khảo sát, đánh giá tác động từ việc khai thác, an toàn mới cấp phép. “Như thế, việc cấp phép khai thác tại các mỏ cát với sản lượng giới hạn sẽ không ảnh hưởng đến sự biến động chân bờ. Việc làm này vừa khai thác được tài nguyên cát một cách hiệu quả vừa chỉnh trị được dòng chảy để tránh gây sạt lở. Nguy hiểm nhất là việc khai thác cát trái phép, khai thác cát lậu. Đây chính là thủ phạm gây sạt lở đất bờ sông” – ông Thư khẳng định.
Kỳ tới: Đẩy mạnh phòng chống sạt lở
Bình luận (0)