“Ai làm nghề này thì phải có lương tâm, dù người chết có người thân hay không, giàu hay nghèo… cũng phải tiễn họ ra đi đàng hoàng” - anh Khương Văn Phúc, nhân viên nhà đại thể của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, tâm sự.
Những tấm lòng từ bi
Nhà đại thể của các BV thỉnh thoảng vẫn nhận những thi thể vô danh. “Họ sẽ được giữ tại BV 45 ngày, đăng báo để tìm người thân. Nếu hết thời gian này mà vẫn không ai đến nhận, chúng tôi sẽ làm các thủ tục cần thiết rồi liên hệ với các cơ sở từ thiện hỗ trợ hỏa táng, mang tro vào chùa gửi” - anh Châu Văn Tiến, nhân viên nhà đại thể của BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết.
Các nhân viên nhà đại thể Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương kiểm tra thông tin về những thi thể vô danh
Nhiều nhân viên nhà đại thể lại trở thành điểm tựa cho thân nhân của người chết trong lúc họ đau đớn, sụp đổ. “Có người gào khóc, có người bấn loạn. Những lúc đó, mình phải từ tốn an ủi họ. Họ rất cần được thông cảm vì đâu có nỗi đau nào lớn hơn mất đi người thân” - anh Khương Văn Phúc nói.
Duyên nghiệp
Làm cái nghề mang tiếng “chết chóc” này, có người bị chính người thân, bạn bè của mình phản ứng. Anh Châu Văn Tiến nhớ lại: “Hai tháng đầu chuyển việc sang nhà đại thể, tôi không dám cho vợ biết. Lựa lúc không khí gia đình vui vẻ, tôi mới kể dần, cố thuyết phục bà xã hiểu cho cái nghề lạ lùng này”. Ban đầu, vợ anh có phần ái ngại nhưng vì tôn trọng chồng nên chấp nhận. Một thời gian sau, qua những câu chuyện trong nghề, chị hiểu được công việc của chồng, chia sẻ với chồng nhiều hơn.
Anh Khương Văn Phúc nói: “Chỉ cần hiểu về nghề này là thấy không có gì để sợ và tôi hoàn toàn hãnh diện khi làm công việc của mình”. Anh may mắn xuất thân trong gia đình có nhiều người công tác trong ngành y nên không gặp trở ngại nào từ phía người thân. “Mẹ tôi làm trong ngành y nên hiểu rõ đây cũng là một công việc cần thiết của hệ thống y tế. Làm công việc này được một thời gian, tôi cưới một đồng nghiệp tại BV. Là người trong nghề cả nên rất hiểu nhau, cô ấy rất vui và ủng hộ tôi hết mình” - anh Phúc kể.
Cái nghề mà nhiều người ái ngại ấy lại trở thành “nghề gia truyền” của những người giữ nhà đại thể ở BV Phạm Ngọc Thạch. Chị Huỳnh Thị Bích Trâm cho biết: “Mẹ tôi làm ở đây đã ngót 20 năm. Khoảng 10 năm trước, tôi lấy anh Bảo. Anh thấy mẹ tôi vất vả nên về làm với mẹ. Rồi 2 năm sau, tôi cũng vào làm”. Người phụ nữ tuổi chưa đầy 30 với khuôn mặt hiền lành và giọng nói êm nhẹ ấy là một trong những bóng hồng hiếm hoi của nghề giữ nhà xác.
Biết quý cuộc sống hơn Anh Châu Văn Tiến tâm sự: “Làm lâu rồi mới thấy người chết lành lắm, nhất là khi mình lo cho người ta, tôi nghĩ không có gì phải sợ. Đây cũng là một nghề đẹp và cần thiết cho xã hội.
Cách nhìn của tôi về cái chết nay cũng thay đổi nhiều”. Như để chứng minh, Tiến khoe tấm thẻ anh đăng ký hiến xác sau khi chết tại BV Đại học Y Dược TPHCM và nói: “Khi ra đi, tôi sẽ dành cơ thể mình cho khoa học và tôi tin điều đó sẽ góp phần mang lại cuộc sống cho nhiều người”.
Chị Bích Trâm nói: “Ai cũng có công việc và bổn phận của riêng mình. Đây là cái nghề đã từng giúp mẹ bươn chải nuôi tôi khôn lớn. Giúp người xấu số, xem như chúng tôi tạo phúc cho con cái. Làm nghề này mới thấy ranh giới sống - chết thật mong manh và biết yêu quý cuộc sống hơn…”. |
Bình luận (0)