“Có lần, một gia đình huy động hơn 20 người ập vào BV cướp xác định đưa ra ngoài. Việc người nhà không cho mổ pháp y, mắng, dọa đánh chúng tôi xảy ra như cơm bữa” - anh Nguyễn Văn Vũ Liên, nhân viên nhà đại thể của BV, cho biết.
Cách đây không lâu, có gia đình nhất quyết đưa xác trần lên xe chở về nhà thay vì đem quan tài vào liệm ngay tại nhà đại thể theo quy định.
Anh Châu Văn Tiến, đồng nghiệp của anh Liên, thở dài: “Chúng tôi năn nỉ, lãnh đạo BV cũng cố thuyết phục, họ mới chịu đem quan tài đến và làm theo thủ tục. Nhưng khi xác được bỏ vào hòm, cổng BV đã mở, họ lại… không chịu đậy áo quan. Quan tài mở nắp với một thi thể nhiễm khuẩn bên trong làm sao dám cho chở ra ngoài. Thế là lại giằng co cả buổi tối…”.
Khi được hỏi về những lần bị làm khó, anh Khương Văn Phúc, nhân viên nhà đại thể của BV Nhân dân Gia Định, nói: “Thường xuyên! Đa số các trường hợp cần mổ pháp y, người nhà đều cản vì cho rằng người thân họ đã chết còn mổ làm gì nữa, đau lắm. Tôi khuyên họ rằng đấy không chỉ là việc pháp luật đã quy định mà còn nhằm bảo đảm công bằng cho người ra đi”.
Những nhân viên nhà đại thể ở BV Phạm Ngọc Thạch cũng không ít lần gặp phải phản ứng tiêu cực của những người dân xung quanh vì họ sợ và định kiến đối với những người làm nghề “chăm sóc người chết”.
Có lần, người ta còn dựng lên những câu chuyện khủng khiếp về quá trình xử lý xác, rồi mời chính quyền đến “xử lý”. “Đương nhiên là chúng tôi không gặp rắc rối gì vì các thi thể đều được xử lý theo đúng quy định dưới sự giám sát của Khoa Giải phẫu bệnh và Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhưng thật tình cũng thấy chạnh lòng” - chị Trâm kể.
Nguy cơ bị lây nhiễm
Cũng như mọi nhân viên y tế khác, các nhân viên nhà đại thể phải rất cẩn trọng trong công việc để không bị lây nhiễm mầm bệnh từ người đã chết. Khi tôi đến nhà đại thể của BV Phạm Ngọc Thạch, các nhân viên tại đây đang đưa xác một cụ bà vào hộc lạnh.
Anh Khương Văn Phúc cho biết nhân viên nhà đại thể ở chỗ anh có 2 bộ đồng phục: bộ áo trắng, quần xanh đậm để mặc khi đi lại trong bệnh viện, làm những việc thông thường; bộ màu xanh nhạt chỉ mặc khi tiếp xúc với thi hài và phải thay ra ngay khi xong việc.
“Có hai vấn đề mà những nhân viên nhà đại thể luôn phải lưu ý: Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý xác và mặc đầy đủ trang phục bảo hộ như áo, khẩu trang, bao tay, bao tóc…” - bác sĩ La Thị The, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV Phạm Ngọc Thạch, nhấn mạnh. Theo bác sĩ The, sự cẩn trọng và tinh thần trách nhiệm đối với nhân viên nhà đại thể còn giúp họ bảo vệ chính mình.
Giữ xác, giữ sự thật
Người nhà một cô gái trẻ qua đời vì tai nạn nhiều lần đến đe dọa các nhân viên nhà đại thể của BV Cấp cứu Trưng Vương khi thi thể cô ta được yêu cầu giữ lại để mổ pháp y. “Đó là yêu cầu bắt buộc, bên công an trưng cầu giám định, BV đâu thể tự tiện cho về được. Nhưng họ dữ dằn quá, không thèm nghe, lại còn… dọa chém” - anh Liên nhớ lại. Lần đó, vị bác sĩ pháp y nhanh trí lật ngược xác lại mổ từ phía sau để giấu đường mổ, lúc liệm sẽ không nhìn thấy. Kiểm tra ngực thi thể không có đường mổ, người nhà mới chịu và đem xác về chôn.
Đôi khi, việc đe dọa nhân viên nhà đại thể, đòi đem xác về còn nhằm che giấu những vụ án còn khuất tất. Anh Liên kể thêm: “Lần đó, vợ của một nạn nhân nhất định không cho mổ, còn đưa anh em tới gây gổ, đòi xác. Theo lời khai ban đầu, ông ta chết do say, gây gổ và nhào vào phía vợ, ngã trúng con dao làm cá trên tay cô ta. Tuy nhiên, sau khi giám định, cơ quan chức năng phát hiện ông bị đâm một cách cố ý”. Một trường hợp khác, người nhà cũng đe dọa các anh, cho rằng BV cố giữ xác để làm tiền vì con trai họ té giàn giáo mà chết. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy người thanh niên đó bị sát hại. |
Bình luận (0)