Ngày 11-12, đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, dẫn đầu đã có chuyến khảo sát, làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và các đơn vị liên quan xung quanh dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Chính quyền và người dân địa phương “đồng lòng, đồng thuận”
Đoàn đã đi thực tế khu vực dự án sân bay Long Thành, sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai) và nghe lãnh đạo địa phương báo cáo về tình hình chuẩn bị thực hiện dự án sân bay Long Thành. Đoàn cũng trực tiếp ghi nhận hiện trạng đất đai, hạ tầng ở khu vực tái định cư Lộc An - Bình Sơn (phục vụ dự án sân bay Long Thành).
Sau khi khảo sát thực tế, đoàn đã có buổi làm việc, lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, trong đó các đại diện chủ yếu đến từ tỉnh Đồng Nai và TP HCM. Tại buổi họp, theo ghi nhận của chúng tôi, các ý kiến chủ yếu tập trung vào chuyện giải tỏa, đền bù, tái định cư và chuẩn bị “tiền dự án” sân bay Long Thành nếu được thông qua chủ trương. Còn vấn đề nên hay chưa nên thực hiện dự án không được mổ xẻ một cách thuyết phục.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác chuẩn bị cho việc giải tỏa, đền bù, tái định cư đã được thực hiện gần 10 năm nay, từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về quy hoạch, quy mô của dự án sân bay Long Thành. Vì thế, người dân địa phương hết sức sốt ruột mong đợi.
Vị trí quy hoạch dự án nằm trên 6 xã (trong đó 1 xã giải tỏa trắng) với diện tích hơn 5.000 ha với gần 4.120 hộ dân - 14.500 người. Do vậy, việc quy hoạch kéo dài, dự án có thực hiện hay không không sớm được quyết định cũng ảnh hưởng lớn đến người dân.
Chính quyền địa phương cho biết khi thực hiện dự án này, mọi điều kiện cơ bản đều thuận lợi, như: vị trí đắc địa, chi phí giải tỏa đền bù thấp. Địa phương đã chuẩn bị chi tiết và lên phương án cụ thể về công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
“Thực hiện dự án phải nhìn trên lợi ích của đất nước đồng thời với lợi ích của người dân địa phương. UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thông qua chủ trương vì chính quyền tỉnh cũng như người dân địa phương đều đồng lòng, đồng thuận với việc thực hiện dự án này” - ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khẳng định.
Cần quan tâm “tâm thế, lòng dân”
Tại buổi làm việc, bên cạnh các ý kiến bàn về công tác giải tỏa, tái định cư, cũng có một số đại biểu nhấn mạnh đến vấn đề quan tâm của người dân là có thực hiện dự án sân bay Long Thành hay không. Ông Dương Trung Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc cần thiết hay chưa cần thiết, cấp thiết hay chưa cấp thiết thực hiện dự án cũng khó nói “trong tình hình kinh tế quốc gia hiện nay”. Vì vậy, dù thông qua chủ trương thực hiện dự án thì cũng cần quan tâm đến “tâm thế, lòng dân” nói chung để có phương hướng điều chỉnh.
“Bên cạnh đó, đặt trường hợp nếu dự án không được thông qua, không thực hiện thì không ít người dân địa phương cũng sẽ chịu không ít hệ lụy” - ông Quốc băn khoăn.
Ông Trần Du Lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, nêu lên các vấn đề về quy mô dự án. Theo ông, ngoài chuyện có cấp thiết thực hiện hay chưa thì cần xem xét về quy mô và tính hiệu quả của dự án. “Riêng vấn đề đã chuẩn bị cho dự án nhưng sau đó vì nhiều lý do không thông qua thì cũng phải chấp nhận” - ông Trần Du Lịch nhìn nhận.
Một số thành viên tham gia buổi làm việc còn nêu ra các mối lo ngại như: Trong 5.000 ha diện tích quy hoạch sẽ chỉ dành riêng cho hệ thống sân bay hay có cả các đô thị vệ tinh? Có tình trạng tổ chức, cá nhân đầu cơ đất đai không? Đơn vị hành chính xã bị giải tỏa trắng có được tái lập? Công tác tạo công ăn việc làm cho người dân sau tái định cư có được quan tâm?... Lãnh đạo địa phương đã lần lượt trả lời các vấn đề này.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết đoàn công tác của Quốc hội ghi nhận tình hình thực tế và báo cáo chi tiết về việc chuẩn bị của địa phương, còn vấn đề cần thiết hay cấp thiết phải thực hiện dự án hay không sẽ tiếp tục chờ ý kiến của Quốc hội. “Về quy mô, tính cần thiết, cấp thiết và hiệu quả của dự án sẽ được Quốc hội thẩm tra, làm rõ” - ông Giàu nói.
Còn 25 hộ không đồng ý
UBND tỉnh Đồng Nai cho biết quá trình xác minh, điều tra từ các hộ dân cho thấy trong số hàng ngàn hộ đồng thuận, hiện vẫn còn 25 hộ không đồng ý với việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng không nắm rõ lý do. “Đây cũng là vấn đề cần lưu ý và giải quyết hợp lòng dân vì khi thực hiện dự án thì những vấn đề này không hề nhỏ” - nhiều thành viên đoàn công tác của Quốc hội lưu ý.
Bình luận (0)