Sáng nay 29-10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành.
Để đầu tư cho dự án này, chỉ tính mức đầu tư ở giai đoạn 1 đã 164.589 tỉ đồng. Trong đó vốn nhà nước bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA, là 84.624 tỉ đồng, vốn khác là 79.965 tỉ đồng.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỉ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao. Ngoài ra, các dự án thuộc hệ thống hạ tầng kết nối với Cảng HKQT Long Thành cần được tính toán, cân đối cùng với tổng vốn đầu tư Cảng hàng không này.
Về phương án huy động vốn, theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
Báo cáo đầu tư đưa ra phương án giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000 ha trong giai đoạn 1 của dự án, chia làm 2 phân kỳ (phân kỳ 1: 2.565,4 ha trong hai năm 2014-2015, phân kỳ 2: 2.434,6 ha trong giai đoạn 2015-2020). Về đơn giá áp dụng để bồi thường, hỗ trợ vẫn áp dụng các quy định trước đây của tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, cần tính toán theo giá đất cụ thể được xác định trên cơ sở Luật đất đai năm 2013 và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đã có hiệu lực để tránh phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.
Cũng theo ông Giàu, vấn đề di dân và tái định cư, đề nghị cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm của công tác di dân tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã thực hiện để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp. Ngoài ra, đề nghị xác định rõ trong số khoảng 3.000 ha đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng thì diện tích đang sử dụng để sản xuất là bao nhiêu và theo đó là số lao động cần giải quyết việc làm.
Về hiệu quả kinh tế của sân bay Long Thành mà Chính phủ nêu, theo Ủy ban Kinh tế, đây là dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được, thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ…
Bình luận (0)