Chiều 27-4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã họp khẩn với đoàn công tác Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng các chuyên gia địa chất Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Công ty CP Địa chất Kawasaki (Nhật Bản) và các sở, ban, ngành của tỉnh để bàn biện pháp ứng phó tình trạng sụt lún, nứt đất tại trung tâm TP Đà Lạt.
Mạch nước ngầm gây nhão đất
Trước đó, trưa cùng ngày, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt cùng đại diện các bộ, ngành, chuyên gia đã đi kiểm tra thực tế hiện trường vụ 13 căn nhà của người dân nứt tường, sụt lún trên đường Nguyễn Văn Trỗi và Trương Công Định (phường 2, TP Đà Lạt), đồng thời lấy mẫu đất để tìm nguyên nhân sụt lún.
Tại cuộc họp nêu trên, đại diện Công ty CP Địa chất Kawasaki, ông Kanno Takami cho rằng ngoài khu vực xảy ra sụt lún, cần mở rộng phạm vi khảo sát, đặc biệt là các khu vực phía trên cao và dưới thấp mới có thể xác định nguyên nhân chính xác. Theo ông Kanno Takami, trước mắt, Công ty CP Địa chất Kawasaki sẽ lắp đặt máy quan trắc tự động để nắm bắt kịp thời các hiện tượng phát sinh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, đề nghị đoàn khảo sát sớm có thông tin ban đầu để thông báo đến người dân yên tâm. Sau khi có kết luận chính thức nguyên nhân sự việc, địa phương sẽ có phương án xử lý lâu dài.
Đến tối 27-4, cuộc họp giữa UBND tỉnh Lâm Đồng với các chuyên gia địa chất và cơ quan chức năng tỉnh này mới kết thúc. Dựa trên các khảo sát, kết quả kiểm tra mẫu đất, cuộc họp kết luật nguyên nhân ban đầu dẫn đến hiện tượng nứt, trượt đất là do nền đất yếu.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, giải thích tại khu vực vừa xảy ra sự cố nứt, trượt có nền đất rất yếu nhưng lại có nước ngầm khá lớn. Ngoài ra, trong những ngày qua, tại Đà Lạt có tổng lượng mưa lên tới trên 110 mm đã tích tụ, dồn về khu vực này dẫn đến tình trạng nền đất đã yếu lại nhão ra. Sự đè nặng của các công trình được xây dựng trên bề mặt đất đã gây nên hiện tượng nứt, trượt mặt đất theo hướng từ đường Nguyễn Văn Trỗi xuống đường Phan Đình Phùng và Trương Công Định.
Để khắc phục sự cố trên, giải pháp trước mắt được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất với các chuyên gia là đóng toàn bộ hệ thống nước dẫn tới khu vực này; tiến hành bơm hút nước; đổ bê tông bịt kín những miệng đất bị trượt, nứt; đưa ra các giải pháp làm khô nền đất; đồng thời cho tháo dỡ những căn nhà có nguy cơ sập đổ. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khoan thăm dò địa chất; xác định vị trí hố rác được hình thành và chôn vùi cách đây khoảng 60-70 năm để có biện pháp gia cố nền đất.
Người dân đề nghị di dời
Như Báo Người Lao Động thông tin, hiện tượng nứt tường và sụt lún nền đất tại khu vực trên xảy ra từ đêm 25-4. Theo thống kê, có 13 căn nhà bị nứt tường, trong đó 11 căn ở đường Nguyễn Văn Trỗi (từ nhà số 17 đến 31) và 2 căn ở đường Trương Công Định.
Vỉa hè trước 11 căn nhà trên đường Nguyễn Văn Trỗi có hiện tượng xé vai đường (khu vực tiếp giáp nền đường và vỉa hè) dài gần 50 m, khoảng hở trung bình 2-3 cm. Sự việc gây ảnh hưởng khoảng 47 hộ dân trong khu vực, với diện tích hơn 2.200 m2.
Trong ngày 27-4, hiện tượng sụt lún tại khu vực này tiếp tục xảy ra. Ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, xác nhận vừa có thêm 2 căn nhà bị nứt, kèm hiện tượng nước xì lên từ nền. Các vết nứt, trượt đất tiếp tục có dấu hiệu hoạt động mạnh hơn. Nhiều mảng tường nhà bị bong, tróc, có dấu hiệu xô đẩy nền đất từ hướng đường Nguyễn Văn Trỗi về phía đường Phan Đình Phùng, Trương Công Định.
Bà Trương Thị Thu Thủy, ngụ nhà số 94/12 Trương Công Định, cho biết có thêm nhiều vết nứt mới trên tường và rộng hơn. “Hôm qua mới nứt nhỏ ở chân tường, đến trưa nay, vết nứt đã kéo dài lên phần trên tường. Chúng tôi rất mong chính quyền cho di dời đến nơi an toàn” - bà Thủy lo lắng.
Trước tình trạng sụt lún diễn biến theo chiều hướng xấu, ông Phạm S thống nhất phương án trước mắt là di dời khẩn cấp các hộ dân để bảo đảm an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.
Trước đó, chiều 26-4, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức họp khẩn để thông báo và vận động các hộ dân bị ảnh hưởng di dời đến nơi ở an toàn. Trong đó, 4 hộ có nhà bị nứt tường, sụt lún nặng phải di dời ngay. Với các hộ còn lại, ban ngày có thể buôn bán nhưng ban đêm không nên ở trong nhà, cần di dời tài sản có giá trị đến nơi an toàn. Lãnh đạo TP đề nghị các khách sạn trong khu vực xảy ra sự cố tạm ngừng đón khách dịp lễ 30-4.
TP Đà Lạt đã bố trí lực lượng túc trực để theo dõi sự việc, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người dân trong các tình huống khẩn cấp. TP cũng cho đặt bảng cấm tất cả ô tô lưu thông vào đường Nguyễn Văn Trỗi. Bên cạnh đó, các đơn vị khác như Phòng Cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn, Sở GTVT, Công an tỉnh, UBND TP Đà Lạt… nhanh chóng chuẩn bị các phương án dự phòng, sẵn sàng trợ giúp người dân khi tình hình có dấu hiệu phức tạp thêm.
An Giang: Cần di dời 20.000 hộ dân vùng có nguy cơ sạt lở
Ngày 27-4, thông tin từ Sở TN-MT tỉnh An Giang cho biết tính đến nay, toàn tỉnh có 51 đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ nhẹ đến rất nguy hiểm nên cần phải di dời khoảng 20.000 hộ dân có nhà cất ven sông. Theo đó, các địa phương có nguy cơ cao sạt lở là Tân Châu, Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, Châu Phú và TP Long Xuyên.
Dự báo tình hình sạt lở trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó Sở TN-MT tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương cần thường xuyên theo dõi, cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở để người dân biết và cảnh giác.
Bình luận (0)