Vụ một con bò tót nặng khoảng 200 kg bị giết hại ngay trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) được phát hiện vào ngày 28-2 đang dấy lên nhiều nỗi lo trong dư luận. Trong khi đó, cơ quan chức năng dường như bất lực trước tình trạng “cuộc chiến” giữa… người và thú đang ngày càng phức tạp. Trong mấy năm qua, đàn voi rừng ở Đồng Nai “vơi” dần mà không rõ lý do; còn bò tót, khỉ, voọc, chà vá… bị cánh thợ săn khắp nơi rình rập, biến chúng thành mồi ngon cho các quán nhậu.
Nghèo khó nên làm liều (?)
Ngày 29-2, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại nơi phát hiện con bò tót của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai bị giết hại. Tiểu khu 105, thuộc khu bảo tồn, cây rừng còn khá rậm rạp, khu đất trống nơi phát hiện xác bò tót không còn lại nhiều dấu vết. Trong đêm trước, các cơ quan chức năng đã phải khẩn trương làm việc để thu thập dấu vết, củng cố hồ sơ, khám nghiệm và thu dọn hiện trường. Bước đầu, lực lượng chức năng đã khoanh vùng đối tượng để có thể truy xét, xử lý trước pháp luật.
Theo Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, con bò tót bị giết hại khoảng 2 tuổi, nặng tầm 200 kg. Lực lượng chức năng chưa tìm thấy đầu đạn, vỏ đạn nhưng theo khám nghiệm, vết thương xuyên từ bên phải sang trái cổ bò tót cho thấy con vật đã bị bắn chết bằng một viên đạn quân dụng. Xác bò đã bị xẻo thịt từ phần thân, đùi, trơ lại xương sườn, khủy và đầu. “Theo ghi nhận ban đầu, kẻ gian giết hại bò tót chỉ để lấy thịt, trong khi giá trị thu được từ thịt loài này không thật lớn, điều này cho thấy nhận thức quá đơn giản của kẻ đã thực hiện hành vi giết hại thú quý hiếm” - ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, nói.
Ông Hảo cho biết hiện trên toàn bộ rừng ở Đồng Nai còn khoảng 300 con bò tót, riêng khu bảo tồn có khoảng 100 con được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt. Đàn voi rừng ở địa phương, cách đây gần chục năm có 20 con, giờ chỉ còn 10 con. Địa bàn hoạt động của voi bị thu hẹp dần do con người lấn chiếm, chúng “nổi giận” và thường xuyên xuất hiện ở ruộng rẫy của người dân để kiếm ăn, phá hoại mùa màng. Riêng khỉ, voọc, chà vá… cũng hao hụt, trở thành mồi ở những quán nhậu. “Con người lấn chiếm, thu hẹp địa bàn của thú làm chúng mất đất sống, đồng thời bị giết hại. Phần khác, thú quý hiếm bị sát hại là do trình độ của một bộ phận người dân còn thấp, cuộc sống nghèo khó khiến họ làm liều…” - ông Hảo nhận định.
“Đồi Lương Sơn Bạc”
Cũng theo Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, hiện việc bảo vệ rừng, chống lại cánh thợ săn đang ngày đêm rình rập quanh khu bảo tồn hết sức gian nan. Khu bảo tồn rộng hơn 100 ha, trong khi lực lượng kiểm lâm chỉ chưa đầy 200 người. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền “không ăn thua gì” đối với cánh thợ săn và những đầu nậu vốn bất chấp để kiếm ăn bằng mọi giá. Một cán bộ kiểm lâm cho biết “lâm tặc” thường hoạt động ban đêm, có hung khí và khi đối mặt lực lượng chức năng thì chống trả quyết liệt. “Chúng tôi đã nhiều lần đổ máu vì những kẻ săn bắn” - vị này cho hay.
Trong hồ sơ “khoanh vùng” của khu bảo tồn về các đối tượng bị theo dõi, thậm chí có khu vực được các cán bộ nơi này đặt tên là “Đồi Lương Sơn Bạc”. Nơi đây tập trung các đầu nậu trong nghề săn bắt trộm. Những người này xuất thân là dân địa phương, không quen việc lao động phổ thông, từ xa xưa chỉ sống bám vào rừng. “Họ không làm gì cả, lại nghèo và ít học nên bất chấp và cứ ngựa quen đường cũ. Họ chế ra những vũ khí sử dụng đạn quân dụng và khá liều lĩnh” - một cán bộ khu bảo tồn nói.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo cho biết gần đây, lực lượng kiểm lâm đã thành lập nhiều đội xung kích, phản ứng nhanh để có thể nhanh chóng ngăn chặn, xử lý các đối tượng chuyên săn tìm thú quý hiếm nằm trong Sách đỏ. “Lực lượng xung kích có nhiệm vụ ngăn chặn những kẻ xâm phạm tài sản của rừng” - ông Hảo nhấn mạnh.
Ngăn chặn từ xa
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, cho biết những năm qua, đơn vị này phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, theo dõi để ngăn chặn từ xa những hoạt động của các tụ điểm, đường dây có dấu hiệu buôn bán động vật hoang dã trái phép. “Chúng tôi cũng phối hợp với Công an huyện Vĩnh Cửu theo dõi sát sao để kịp thời xử lý các hành vi móc nối tiêu thụ động vật rừng săn bắt trái phép” - ông Mùi thông tin.
Bình luận (0)