Lúc 15 giờ 10 phút ngày 30-3, tàu lừa SE8 chạy hướng Nam – Bắc, đến Km 18+800 (thị trấn Tía, huyện Thường Tín - Hà Nội) đã tông thẳng vào một xe khách chở 21 người. Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, đã có 9 người chết và ít nhất 10 người bị thương nặng.
Chưa hết bàng hoàng, lái tàu SE8 Đỗ Xuân Phong (44 tuổi) cho biết: “Khi tôi thấy chiếc xe khách cứ lao ngang qua đường sắt thì khoảng cách giữa tàu và xe khoảng 100 m. Tôi đã rú còi inh ỏi và cố gắng hãm phanh khẩn cấp nhưng không thể tránh được. Kinh khủng quá!”.
Vừa lái xe vừa nghe điện thoại
Chiếc xe khách chở 21 người bị tông bẹp phần đuôi, văng xa cả chục mét và húc đổ đèn tín hiệu giao thông gần đó. Trong số 7 người tử vong tại chỗ có 2 thi thể dập nát, mắc kẹt trong xe khiến lực lượng cứu hộ phải mất nhiều thời gian để đưa ra ngoài. Chiều tối cùng ngày, thêm 2 người nữa chết tại bệnh viện.
Lái xe và một đôi vợ chồng cùng con nhỏ ngồi hàng ghế trên cùng chỉ bị thương nhẹ. Một số nhân chứng cho biết khi xảy ra tai nạn, tài xế xe khách vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Khi chiếc xe chuẩn bị rẽ vào ngã ba giao cắt giữa đường sắt và đường dân sinh, tài xế vẫn đang mải “buôn chuyện”. Phát hiện tình huống nguy cấp, nhiều người dân đã chạy ra hô hoán, ra hiệu nhưng tài xế đã không quan sát được.
Chiếc xe khách văng xa hơn 10 m khi bị tàu SE8 tông phải Ảnh: ĐỖ DU
Sau khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nông nghiệp 1, những người bị thương nặng đã được đưa tới Bệnh viện Việt Đức điều trị. Ông Lê Nam Thắng (SN 1957, bị chấn thương sọ não, xương hàm mặt và gãy xương đùi) cho biết đoàn xe gồm 21 người cùng họ hàng (đều ngụ tỉnh Thái Nguyên) và đang trên đường trở về sau khi ăn cưới một người cháu họ. “Khi đó, lái xe nghe điện thoại nên không phát hiện tàu lửa đang lao đến. Vì tàu lửa tông vào phần đuôi xe nên những người ngồi hàng ghế đầu như tôi mới thoát chết” - ông Thắng cho biết.
Số người chết có thể tăng cao
Công an huyện Thường Tín đang lấy lời khai của những người liên quan, trong đó có lái tàu Đỗ Xuân Phong. Anh Phong cho biết khu vực này cho phép tàu lửa chạy với vận tốc 80 km/giờ nhưng vào thời điểm xảy ra tai nạn, tàu SE8 chỉ chạy với tốc độ 70 km/giờ.
Ông Hoàng Ngọc Trìu, Giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (nơi công tác của anh Đỗ Xuân Phong), cho biết: “Đầu máy chỉ bị hư hỏng nhẹ, chúng tôi đang chờ cơ quan điều tra tới kiểm tra hộp đen trên tàu để có căn cứ xác định vận tốc của đoàn tàu vào thời điểm gây ra tai nạn”.
Một nạn nhân của vụ tai nạn. Ảnh: ĐỖ DU
Theo một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67) - Bộ Công an, cục đã cử tổ công tác đến hiện trường vụ tai nạn để phối hợp điều tra và đưa người đi cấp cứu. “Cơ quan điều tra và Công an huyện Thường Tín đang điều tra về vụ tai nạn này” - vị lãnh đạo này cho biết. Trong khi đó, theo C67, số tử vong có thể cao hơn do các nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu đều trong tình trạng đa chấn thương rất nặng.
Ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban An toàn giao thông Đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đây là đoạn đường ngang dân sinh có hệ thống cảnh báo tự động, vào thời điểm xảy ra tai nạn, các thiết bị vẫn đang hoạt động bình thường. “Cung đường từ Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) được coi là “cung đường tử thần” với trung bình 50 m có một đường ngang dân sinh tự phát. Mặc dù có đèn, còi tín hiệu và cảnh báo nhưng nếu tài xế lơ là khi lưu thông qua đây thì rất dễ để lại hậu quả khó lường” - ông Bình nói.
Tài xế xe khách ra đầu thú
Sau khi bỏ trốn khỏi hiện trường, tối 30-3, Nguyễn Thế Hùng (30 tuổi, ngụ huyện Phổ Yên, Thái Nguyên), tài xế xe khách, đã tới Công an huyện Thường Tín đầu thú.
Theo ông Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp 1, có tổng cộng 12 nạn nhân trong vụ tai nạn đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trong đó 2 người tử vong là một bé trai 3 tuổi tên Tùng và một phụ nữ tên Phương (20 tuổi).
Hiện còn 8 nạn nhân đang cấp cứu tại đây, gồm một cháu bé 2 tuổi và 7 người là bà Vương Thị Hay (97 tuổi), ông Lê Văn Đàn (67 tuổi), anh Vũ Văn Mạnh (27 tuổi), chị Phan Thị Liên (28 tuổi), cháu Bạc Cẩm Bảo (3 tuổi), cháu Lê Đức Anh (9 tháng tuổi) và chị Hà Thị Thủy (25 tuổi). |
Bình luận (0)