Với vụ tai nạn rơi bồn nước, đến nay đã qua một tuần nhưng vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Dù vậy, không khó để dự đoán nguyên nhân cuối cùng sẽ là: Tại trời mưa nên đã xảy ra tai nạn ngoài ý muốn!
Trong vụ này, hẳn nhiên chủ nhà phải hỗ trợ hoặc bồi thường cho gia đình nạn nhân còn những đơn vị, cá nhân có chức năng quản lý xây dựng, quản lý đô thị - nói chung là quản cái bồn nước có được đặt, dựng đúng quy cách hay không - sẽ vô can.
Nhận định trên không hề chủ quan nếu suy ra từ câu trả lời của trưởng phòng quản lý đô thị một quận ở TP: “Hiện nay, quận không quản lý việc bồn nước đặt ở vị trí nào khi cấp phép xây dựng cho các công trình xây dựng đơn lẻ. Trong giấy phép xây dựng chỉ có các nội dung về kết cấu bê-tông, tường, mái... mà không hề đề cập bồn nước đặt ở đâu”. Câu trả lời của ông trưởng phòng này khiến dư luận không khỏi lo lắng. Cái bồn nước đặt trên mái nhà mà không thuộc kết cấu ngôi nhà thì không lẽ thuộc... ông trời hay sao?
Tương tự, kết quả xử lý vụ tai nạn ở cầu vượt Cây Gõ cũng không khó đoán. Nhà xe sẽ bồi thường, tài xế có thể bị khởi tố, truy tố, thụ án tù giam. Sau đó, hồ sơ vụ tai nạn thương tâm sẽ khép lại trong nỗi ân hận của tài xế. Nhưng chẳng lẽ chỉ có tài xế ân hận? Nếu đây không phải xe của một đơn vị chuyên vận chuyển hành khách tuyến cố định thì có lẽ chỉ một mình tài xế ân hận là đủ, còn đây là xe của hãng xe Phương Trang nên chắc sẽ có người thắc mắc: Xe chở khách sao được lưu thông trong nội đô? Ai đã cho phép và làm ngơ?
Có lẽ đón đầu trước những câu hỏi này, ngay sau khi tai nạn xảy ra, trả lời báo chí, đại diện hãng Phương Trang nhanh nhảu thông tin: “Chiếc xe gây tai nạn đang trên đường chở nhân viên của hãng ra Bến xe Miền Tây làm việc” (?!).
Nhưng ở TP HCM, ai mà không biết nhà xe Phương Trang và nhiều nhà xe khác có điểm tập kết nằm ngay trong nội thành thay vì ở các bến xe. Hoạt động của xe khách núp bóng du lịch lữ hành ở TP HCM là chuyện không mới, được báo chí phản ánh nhiều lần nhưng chẳng ai xử lý dứt điểm.
Với cách quản lý lỏng lẻo, thờ ơ như hiện nay thì những cái chết oan uổng trong tương lai sẽ còn xảy ra. Đã là công bộc của dân thì các nhà chức trách hãy đồng cảm với nỗi đau của người dân; đừng xem những sự cố, tai nạn là bởi tại trời; đừng đổ mọi thứ cho ông trời khi chính con người mới là đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tai ương!
Bình luận (0)