Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN:
Phải là người trong sáng
Ngoài những tiêu chuẩn chung, những người được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Trung ương phải là người đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết. Các ủy viên Trung ương phải có kiến thức, có tâm huyết, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bảo vệ được quyền lợi nhân dân, dân tộc.
Do đây là một cơ quan Trung ương nên ngoài kiến thức ở tầm vĩ mô, các ủy viên cũng phải am hiểu thực tế ở cơ sở, có kinh nghiệm để đóng góp xây dựng các chính sách ở tầm vĩ mô nhưng cũng phải phù hợp thực tiễn, góp phần đưa đất nước nhanh chóng phát triển, thu hẹp khoảng cách tụt hậu. Một điều kiện tiên quyết khác các ủy viên Trung ương Đảng phải là người trong sáng, dám đấu tranh chống lại tiêu cực, biểu hiện sai trái.
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh:
Tôi chọn người tài, đức
Đã 4 lần tôi dự đại hội Đảng và thấy đại hội kỳ này rất dân chủ, cởi mở trong bàn bạc, chọn lựa nhân sự. Có nhiều đại biểu được đề cử (ngoài danh sách BCH khóa X giới thiệu) tại đại hội để bầu vào chức danh ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết. Có thể nói, hầu như ai cũng bảo đảm điều kiện về tài, đức để tham gia BCH Trung ương. BCH Trung ương là người lèo lái con tàu VN, vì vậy, mỗi đại biểu với trách nhiệm cao nhất của mình phải chọn lựa những người ưu tú nhất để tham gia lãnh đạo đất nước trong 5 năm tới.
Cá nhân tôi cũng cân nhắc, lựa chọn, so sánh với những người khác về tài, đức, về khả năng đáp ứng nhiệm vụ sẽ được phân công... để có điều kiện tham gia lãnh đạo. Ví dụ ưu tiên chọn nữ so với nam, chọn lựa trẻ so với già nhưng cũng phải theo cơ cấu độ tuổi...
Ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ VN tại Nhật Bản, đại biểu Khối Cơ quan Trung ương:
Phải có tầm nhìn xa
Danh sách các ứng cử viên do BCH Trung ương khóa X giới thiệu có trình độ học vấn, trình độ ngoại ngữ cũng tốt hơn các kỳ trước. Bây giờ trình độ dân trí cao nên các ủy viên Trung ương phải tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu đến năm 2020, chúng ta sẽ xây dựng đất nước cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lãnh đạo Trung ương phải có tầm nhìn xa.
Số đại biểu được đề cử thì nhiều nhưng số đại biểu tự ứng cử trong đại hội thì không có. Theo tôi nguyên nhân là do nhận thức, văn hóa chưa quen với việc tự ứng cử. Tôi mong muốn xu hướng tự ứng cử phải ngày càng nhiều hơn và nghĩ sau này xu hướng tự ứng cử sẽ nhiều hơn. Để tạo ra nếp, thói quen tự ứng cử thì cũng phải có quá trình.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên:
Tiêu biểu cho bản lĩnh chính trị, trí tuệ
Người được bầu vào BCH Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ đại hội, phải là người có tâm với đất nước, phải có trácnh nhiệm, điều kiện để thực hiện tốt nghị quyết của đại hội. Qua nghiên cứu hồ sơ các ứng cử viên, tôi thấy ấn tượng nhất là cách BCH Trung ương khóa X chuẩn bị nhân sự và cách tổ chức để giới thiệu đại biểu trong đại hội để tiến hành bầu cử. Tôi tin tưởng sẽ có sự tiếp nối giữa BCH khóa X và khóa XI, nhất là các đồng chí đang giữ trọng trách của đất nước. Kỳ vọng lớn nhất của tôi là BCH Trung ương khóa XI sẽ thực sự tiêu biểu cho bản lĩnh chính trị, trí tuệ của toàn Đảng và nhân dân ta. Việc đề cử nhiều đại biểu để bầu ủy viên chính thức và ủy viên dự khuyết BCH Trung ương cho thấy đại hội rất dân chủ và trách nhiệm.
Bình luận (0)