xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan hoang rốn lũ

Quang Nhật – Hoàng Hà

Hàng ngàn người dân vùng rốn lũ Minh Hóa - Quảng Bình vẫn còn bám vào nóc nhà, vách núi vì nước chưa rút. Nhiều người già và trẻ nhỏ kiệt sức dần. Hàng trăm hộ dân khác đã về được nhà thì lại trắng tay

Lực lượng cứu hộ huyện Minh Hóa – Quảng Bình ngày 7-10 vẫn tiếp tục điều 4 ca nô liên tục vào cứu trợ hàng ngàn người dân xã Tân Hóa đang sống trên các nóc nhà và vách núi.
 
Từ bến tập kết hàng cứu trợ Khe Sụ, theo đoàn cứu trợ của Bộ đội Biên phòng, vượt qua 15 km giữa mênh mông nước lũ, qua nhiều nóc nhà ngập và đầy xác trâu bò trôi lềnh bềnh, chúng tôi mới tới được xã Tân Hóa.
 
Đói khát, bệnh tật
 
Vừa rời bến Khe Sụ chưa được 10 phút, chúng tôi đã thấy trên những nóc nhà có hàng trăm người nằm, ngồi la liệt chờ cứu trợ. Nhận được những gói mì ăn liền đầu tiên sau nhiều ngày đói khát, họ đã chia nhau ngấu nghiến những mẩu mì sống.
 
Ca nô của chúng tôi đi qua một chiếc cầu nhỏ trên sông. Trên nóc nhà gần đó, vài người vẫy tay xin hàng cứu trợ. Vừa đưa những gói mì, chai nước cho họ xong, bên ngọn núi xa xa lại có tiếng người kêu cứu vọng sang.
 
Những khuôn mặt phờ phạc, lấm lem bùn đất, kiệt sức dần dần hiện ra vì những ngày sống thiếu thốn giữa biển nước. Vào sâu hơn, hình ảnh hàng trăm người dân sống trong những túp lều tạm bợ vừa mới dựng lên bên các lèn núi khiến ai cũng xót xa. Phụ nữ và trẻ em đã kiệt sức nằm đầy bên vách núi, mặt mày tái nhợt.
 
 
img
Chị Trương Thị Ái, ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa – Quảng Bình,
lượm nhặt lại những hạt bắp vương vãi sau lũ. Ảnh: Quang Nhật


Trên triền đồi Ngá đầy bùn đất, người dân dựng lên gần 15 chiếc lều dã chiến để trú ngụ tránh lũ. Khoảng 300 người chen chúc nhau trong không gian chật hẹp.
 
Ông Thái Văn Phán, 74 tuổi, ở thôn Cổ Liêm 1, xã Tân Hóa, bị vết thương ở chân sưng vù, than thở: “Chúng tôi phải ăn mì gói và uống nước mưa qua bữa. Tôi bị đau mà cũng phải ráng chịu chứ biết làm sao được”.
 
Bà Cao Thị Điền, 76 tuổi, ở thôn Cổ Liêm, lắc đầu: “Cuộc sống rất tạm bợ vì thiếu thốn đủ thứ, từ lương thực thực phẩm đến thuốc chữa bệnh. Thiếu nước, bà con đành phải uống cả nước lũ”. 
 
Đưa tay run run mở gói mì rồi đưa lên nhai ngấu nghiến, ông Cao Văn Ngọc thở hắt: “Lên đây 2 ngày, vì không có chi ăn nên chúng tôi phải thịt cả trâu, bò”.
 
 
img

Nhà chị Đinh Thị Hà (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa - Quảng Bình) tan hoang sau cơn lũ dữ. Ảnh: TTXVN – Quang Nhật



Những ngọn lèn ở xã Minh Hóa đều được người dân tận dụng làm nơi tránh lũ. Lèn Hung Môn có hơn 60 người dân dựng lều tạm để sinh hoạt. Nhiều ngày qua, họ không có lương thực, nước uống và nhất là muối ăn.
 
Tại khu vực lèn Hang Voi, nơi có hơn 200 người đang phải sống chen chúc trong các lán trại trên triền núi và các hốc đá, hàng chục đứa trẻ đang bị các bệnh tiêu chảy, mắt đỏ..., người cứ lả dần do nhiều ngày sống trong cảnh  thiếu thốn.
 

Rất dễ mắc bệnh

Theo ông Đinh Hồng Hộ, trước mắt, người dân vùng lũ Minh Hóa không còn bị cái đói đe dọa vì đã có hàng cứu trợ. Tuy nhiên, việc người dân vẫn phải sống trong hang đá, trên mái nhà và vẫn thiếu nước sạch, muối ăn, quần áo sẽ rất dễ mắc bệnh.

“Chúng tôi chỉ có 4 ca nô cứu hộ ở 2 xã Minh Hóa và Tân Hóa nên không thể đưa đủ nước sạch vào cho người dân. Từ ngày 5-10 đến nay, đoàn cứu hộ đã đưa hàng trăm người bệnh, chủ yếu là người già và trẻ em ở xã Tân Hóa và Minh Hóa, về bệnh viện huyện chữa trị” – ông Hộ cho biết.
Hiện nước lũ ở xã Tân Hóa và một phần xã Minh Hóa rút rất chậm.
 
Theo ông Đinh Hồng Hộ, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, hơn 3.000 người dân 2 xã này còn phải sống trong lèn đá, mái nhà, lán trại... ít nhất 5 ngày nữa.
 
Trôi mất hết rồi!
 
Dọc Quốc lộ 12A đoạn qua thôn Tân Trung - xã Minh Hóa, nước đã rút nhưng đâu đâu cũng phủ dày bùn đất. Chăn màn, tủ giường, bàn ghế... của người dân đã bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn lại căn nhà xiêu vẹo trống trơn.
 
Sáng 7-10, trời hửng nắng, nước rút dần, người dân bắt đầu xuống núi về nhà để lượm lặt những gì còn sót lại. Nhiều người giờ chỉ còn bộ quần áo đang mặc và ngôi nhà trống hoác. Về đến nhà, họ đứng sững người nhìn, nước mắt đầm đìa.
 
Lau vết bùn đất bám vào chiếc giường may mắn chưa bị lũ cuốn trôi, chị Trương Thị Hương nghẹn ngào: “Chừ thì nhà tôi mỗi người chỉ còn lại một bộ đồ mang đi khi chạy lũ.Tất cả đã trôi mất hết rồi”. Ba ngày sống trên núi, dù nhặt được chiếc xoong cũ nhưng cũng không có gạo để nấu ăn nên gia đình chị chỉ biết moi củ mì luộc ăn, lấy nước mưa uống tạm.
 
Cách đó không xa, căn nhà anh Trương Văn Đoàn chỉ còn lại những chiếc cột xiêu vẹo, 4 bức tường đã bị lũ cuốn trôi. Chị Đinh Thị Hà, vợ anh Đoàn, lo lắng: “Không biết rồi mai đây lấy chi mà sống?”.
 
Cố giành giật lại những gì còn sau mưa lũ nhưng từ sáng tới trưa, chị Trương Thị Ái chỉ vơ được một vài nắm bắp còn vương vãi giữa sàn nhà và một ít áo quần ướt. Căn nhà nhỏ của chị nằm lọt thỏm giữa vùng đất trũng.
 
Nhà chỉ có 2 mẹ con nên hôm lũ về chị chỉ kịp bồng con lên núi. Khi nước rút đi, chị quay về nhà nhưng không đứng vững nổi. “Chừ trắng tay rồi” - chị Ái nức nở.
 
Chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang, nhiều người trắng tay sau lũ, ông Đinh Hồng Hộ xót xa: “Còn lâu nữa cuộc sống của người dân Minh Hóa mới bình thường trở lại”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo