xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan hoang sau lũ dữ

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Hai tỉnh Yên Bái và Sơn La thiệt hại vô cùng nặng nề do trận lũ ống, lũ quét xảy ra hôm 3-8. Hàng chục người chết và mất tích; hàng trăm ngôi nhà, công trình bị cuốn trôi, hư hỏng

Anh Lê Doãn Dũng (ngụ tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) không quên được khoảnh khắc trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 3-8, hiện vợ và 2 con anh mất tích.

Nghĩ mình sẽ chết

Anh Dũng cho biết lúc đó khoảng hơn 5 giờ sáng, mặt đất rung chuyển. Vợ chồng ôm con định chạy thì lũ ập đến, cuốn trôi tất cả. Vật lộn với dòng nước chảy xiết, anh vẫn cố ngoái đầu lại nhìn nhưng không còn nhìn thấy vợ con đâu.

"Sau khi nước cuốn đi xa khoảng 600 m, tôi may mắn mắc vào một cây ven suối rồi được người dân vớt" - anh Dũng kể khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mù Cang Chải.

Tan hoang sau lũ dữ - Ảnh 1.

Các lực lượng cùng người dân khẩn trương dọn vệ sinh trường học ở thị trấn Mù Cang Chải

Dù lũ đã qua 2 ngày nhưng ông Giàng A Páo (52 tuổi; ngụ tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải), vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng ấy, ông vừa tỉnh dậy thì nghe tiếng ùng ục từ xa. Ông gọi giật vợ dậy bảo "lũ quét đến rồi, chạy, chạy".

Vợ ông chạy lên đồi sau nhà. Ông ra đóng cửa thì nước ào vào. Phút chốc, công trình nhà vệ sinh đằng trước, ba phòng trọ cấp 4 cho học sinh nội trú thuê bị cuốn sạch. Ông Páo bảo rất may cho gia đình là đang dịp nghỉ hè nên học sinh về nhà.

Dốc sức khắc phục

Chiều 4-8, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết tỉnh đã được tăng cường thêm 220 cán bộ, chiến sĩ từ Quân khu 2 đến hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ quét và cứu nạn ở thị trấn Mù Cang Chải.

Đại tá Phạm Hồng Chương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái, cho biết đã có gần 1.800 lượt người thuộc các lực lượng được huy động tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ quét. Hiện các lực lượng ưu tiên tìm kiếm cứu nạn, dọn dẹp hiện trường ở khu vực tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải - là nơi thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Đỗ Đức Duy cho biết lũ làm 2 người chết, 12 người mất tích, 9 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước 160 tỉ đồng.

"Ưu tiên hiện nay là tìm kiếm nạn nhân mất tích, sau đó giúp dân ổn định cuộc sống, khắc phục hạ tầng để sớm hoạt động trở lại, đặc biệt là dọn các trường học để bảo đảm đúng ngày 15-8 có trường lớp cho học sinh chuẩn bị khai giảng" - ông Duy cho hay.

Theo ông Duy, tình hình giao thông ở Mù Cang Chải chưa trở lại bình thường do có nhiều điểm sạt lở, có nơi đường bị vùi lấp đến 2 km, hỏng cầu. Do vậy, cần ưu tiên dọn dẹp các điểm sạt lở, gia cố đường, nhanh chóng khai thông các tuyến đường. Cũng trong ngày, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lên kiểm tra tình hình tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Tính đến 15 giờ ngày 4-8, mưa lũ tại huyện Mường La làm 11 người chết, 5 người mất tích, 6 người bị thương; 179 nhà sập đổ hoàn toàn, 79 nhà bị ảnh hưởng; giao thông ách tắc hoàn toàn trên Quốc lộ 279 D đoạn qua thị trấn Ít Ong; trôi 4 ô tô, 3 kho chứa vật liệu xây dựng, 4 thuyền máy…; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện; hàng trăm hecta lúa, hoa màu và gia súc. Tổng thiệt hại ước khoảng 461 tỉ đồng.

Ưu tiên tìm người mất tích

Ngày 4-8, Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu UBND các tỉnh, nhất là Yên Bái và Sơn La, tiếp tục tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người mất tích; rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, bảo đảm không để người dân đói.

Cùng ngày, tại hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc ứng phó với thiên tai, sự cố. Nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động khi gặp tình huống khẩn cấp. Việc rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, di dời người dân... còn chủ quan. Người dân cũng chủ quan nên khi tình huống xảy ra gặp rất nhiều khó khăn trong khắc phục.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo