xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan nát bản Húc Nghì

Bài và ảnh: LINH AN

Không còn nhà để ở; muối, gạo để ăn và sách vở để học... Đó là thực tế đau lòng ở bản Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện miền núi Đăkrông - nơi đầu nguồn trận lũ quét tàn khốc vừa qua tại Quảng Trị

Sáng 4-10, vừa thông đường đến xã Húc Nghì, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt để ghi lại cảnh đau thương quá sức tưởng tượng này. Đến ngày 4-10, vẫn còn ba xã Pa Nang, A Vao, A Ngo của huyện Đăkrông bị cắt đứt thông tin. Người dân đang từng giờ chờ được tiếp tế thức ăn và nước uống. 

img
Người dân ở bản Húc Nghì dựng lán trại để sống tạm


34 học sinh thoát nạn


Một cảnh tượng tan hoang và điêu tàn sau lũ quét là những gì đập vào mắt chúng tôi tại bản Húc Nghì, nơi có ngôi Trường Tiểu học và THCS Húc Nghì do Anh hùng Lao động (AHLĐ)- thầy giáo Hà Công Văn làm hiệu trưởng. Ngôi nhà của vợ chồng AHLĐ Hà Công Văn cũng biến mất theo lũ, chỉ còn lại nền nhà trơ trọi. Vợ chồng thầy giáo Hà Công Văn phải dựng tạm túp lều để ở trên bùn non nhầy nhụa. AHLĐ  Hà Công Văn nói: “Tôi ở Húc Nghì hơn 30 năm song chưa bao giờ thấy trận lũ quét kinh khủng như năm nay, lũ đã làm mất nhiều bản làng, nhà dân”.


Bỏ công việc của gia đình lại một bên, sáng 4-10, thấy trời hửng nắng, AHLĐ Hà Công Văn cùng với những giáo viên nam đi nhặt phơi từng trang giáo án, quyển học bạ của học sinh. Nhìn người anh hùng khom lưng phơi từng trang sách, dọn từng đống bùn không ai khỏi ngậm ngùi. AHLĐ Hà Công Văn kể lại: “Chiều tối 29-9, thấy lũ lên quá cao, tôi qua khu nội trú, khi đó các em đang ngủ, tôi gọi các em dậy, hối thúc các em mang gạo chạy nhanh lên tầng hai của trường trốn lũ. Một lát sau, nước lên quá cao, tôi lại bắc ván dìu từng em chạy lên đồi. Cùng các thầy cô giáo trong trường, chúng tôi cứu được 34 học sinh đang chơi vơi trong lũ. Đứng trên đồi nhìn về, thật đau lòng khi thấy ngôi nhà của mình đang bồng bềnh theo dòng lũ xiết. Công khó vợ chồng bấy lâu dành dụm coi như mất hết toàn bộ”.


Xót xa nhất là 5 cặp vợ chồng giáo viên ở tại khu tập thể của trường. Lũ cuốn trôi, nhấn chìm tất cả áo quần, đồ dùng. Ba ngày sau lũ, mỗi giáo viên chỉ còn lại một bộ đồ mặc trên người.


Thầy Văn nói: “Sáng nay, tôi vừa cho các cô đưa con về quê khám bệnh. Các cháu bị sốt và đỏ mắt, lo quá chừng”.


Hiện nay, 28 giáo viên và 34 học sinh nội trú ở đây đang quá khó khăn, không biết phải sống thế nào. Trường tiểu học bị lũ làm sập, trường THCS chỉ còn cái xác. Bàn ghế, sách vở, giáo án, học bạ, máy tính... tất cả đều trôi mất. Khu nhà tập thể của giáo viên bùn ngập ngang gối, khu tập thể nội trú của 34 học sinh sập đổ hoàn toàn. “Tất cả mọi cái đều phải sắm sửa lại từ đầu như ngày mới đến dạy học cách đây mấy chục năm. Lấy tiền đâu ra trong lúc khó khăn này?” - AHLĐ Hà Công Văn lo âu. Ông chưa biết khi nào học sinh mới được học trở lại. Nếu nghỉ học kéo dài, học sinh người dân tộc sẽ bỏ học luôn, khi đó vận động trở lại trường rất khó.


Ông Vũ Đình Hòe, Chủ tịch UBND huyện Đăkrông, cho biết: “Trong ngày 4-10, huyện sẽ cấp ngay cho trường 1.300 m ống nhựa để dẫn nước từ suối về sử dụng. Huyện sẽ cấp 5 tấm bạt lớn, dựng lán cho học sinh trở lại học trong thời gian sớm nhất”.

img
Sách vở  của học sinh bản Húc Nghì bị hư hại sau lũ


27/31 nhà dân bị trôi theo lũ dữ


Rời khỏi khu trường của thầy Văn, tôi gặp mẹ Hồ Thị Huê ở bản Húc Nghì, mặt mẹ tươi hẳn lên khi nhận được 10 kg gạo cứu trợ đầu tiên của huyện Đăkrông sau 5 ngày nhịn đói và ăn mì do lũ cắt đứt giao thông. Mẹ Huê nói: “Mấy ngày qua, mẹ cùng bà con ăn củ mì để sống, đói quá con ơi. Giờ có gạo rồi. Cảm ơn cán bộ đã băng rừng mang gạo tiếp tế cho dân”. Cả bản Húc Nghì nằm bên bờ sông Đăkrông tiêu điều. Có 27/31 nhà dân bị cuốn trôi theo lũ dữ, bản gần như bị xóa sổ. Những khu đất bà con dựng nhà trước đây đã bị nước lũ xoáy sâu thành hố.

Cách nhà mẹ Huê không xa, nhận được mấy tấm tôn lợp nhà, bà Hồ Thị Con kể: “Chiều đó, chỉ cần nước lũ lên thêm một giờ nữa, tôi không sống được rồi. Khi chạy lên tầng hai trụ sở UBND xã Húc Nghì trốn lũ, một hồi sau nước lên cao gần đến tầng hai, tôi leo lên một ngọn cây cao sát bên, nước tiếp tục lên theo. May có mấy chú công nhân ở bên núi phát hiện, đưa dây cho tôi buộc chặt vào người rồi họ kéo tôi vượt dòng nước lên núi”. Hồ Nun, một người dân bị mất nhà do lũ, nhớ lại: “Nước lũ bất ngờ lên quá nhanh, chúng tôi chỉ kịp kéo nhau chạy lên đồi cao tránh lũ, không mang theo được đồ dùng. Giờ không còn gì cả!”.


Ông Hồ Văn Đàm, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, nói: “Bà con đang quá đói vì bị lũ chia cắt từ ngày 30-9. Hôm nay, 4-10, mới nhận được hàng cứu trợ nhưng mỗi người cũng chỉ được chừng 10 kg gạo và thùng mì gói. Nếu không có cứu trợ khẩn cấp tiếp tục, dân Húc Nghì chết đói mất thôi”. Cuối ngày 4-10, một số hộ ở bản Húc Nghì bị trôi mất nhà đã dựng lại lều bạt tạm để trú qua ngày.


Đến Km 32+ 400 của đường Hồ Chí Minh, chúng tôi phải dừng chân vì hàng ngàn khối đất đá từ trên núi đổ xuống làm ách tắc giao thông. Ăn vội một nửa củ mì nướng với người dân xã Húc Nghì, ông Vũ Đình Hòe xót xa: “Lũ quét đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà của bà con, huyện Đăkrông bị thiệt hại quá nặng. Người dân huyện Đăkrông cần nhất lúc này là muối ăn, lương thực, dầu, chăn màn, sách vở, áo quần... vì bà con đã trắng tay”.

 

Kỳ tới: Nguy cơ dịch bệnh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo