Dù chỉ còn vài ngày nữa Luật BHYT sẽ có hiệu lực nhưng theo Bộ Y tế, hiện nghị định và thông tư hướng dẫn vẫn chưa ban hành. Do vậy, luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 song bệnh nhân BHYT vẫn thực hiện theo quy định cũ.
Điểm mới của chính sách BHYT là đối tượng đã mở rộng lên 25 nhóm, trong đó người nghèo, người có công, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước bảo đảm chi phí mua thẻ BHYT. Cùng đó, 15 triệu học sinh- sinh viên cũng được đưa vào nhóm BHYT bắt buộc từ năm học 2009-2010. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế, thực hiện chính sách mới, quyền lợi của người tham gia BHYT sẽ được mở rộng đáng kể, trong đó người bệnh được lựa chọn cơ sở khám - chữa bệnh (KCB) ban đầu, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí khám, chẩn đoán sớm một số bệnh... Tuy nhiên, theo quy định mới, quỹ BHYT chỉ ưu tiên chi trả cho người bệnh KCB đúng tuyến; người không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên sẽ phải cùng chi trả 20% chi phí KCB.
Cũng từ ngày 1-7, Bộ Y tế đã chọn 10 bệnh viện lớn, gồm: K, Hữu Nghị, Bạch Mai, Việt Đức, Mắt Trung ương, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương (Hà Nội); Chợ Rẫy, Thống Nhất (TPHCM) và BV Trung ương Huế để thí điểm chương trình Chất lượng và sự hài lòng của người bệnh. Mục tiêu của chương trình là cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh và tiết kiệm thuốc, xét nghiệm. Với chương trình này, bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT sẽ được thăm khám chu đáo, trả kết quả xét nghiệm nhanh nhất có thể...
Theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế, hiện các bệnh viện tham gia chương trình này đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị... để phục vụ đối tượng BHYT tốt hơn.
Bình luận (0)