Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Để tăng lương, Chính phủ đã cố gắng co kéo”
Lương tối thiểu tăng 1,15 triệu đồng
Đăng đàn sáng 31-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã cố gắng “co kéo” các nguồn để dự kiến bố trí được khoảng 20.700 tỉ đồng để tăng lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng hiện nay lên 1,15 triệu đồng, bắt đầu từ ngày 1-7-2013. Theo đó, lương tối thiểu sẽ tăng thêm 100.000 đồng thay vì 250.000 đồng lên mức 1,3 triệu đồng như lộ trình đã duyệt (dự kiến tăng từ tháng 5-2013).
Trao đổi bên hành lang QH, ông Vương Đình Huệ nói: “Cố gắng bố trí tăng thêm 100.000 đồng tiền lương mà còn có nhiều ý kiến khác nhau, lo không đủ nguồn. Nói thật, ngân sách như tấm chăn, co chỗ này thì hụt chỗ kia. Tiền chỉ có vậy, muốn nâng lên cũng khó”.
Cần có cách giải quyết dài hạn
Trước việc tuyên bố tăng lương tối thiểu thêm 100.000 đồng, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận), ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cùng nhiều ĐB khác tỏ ra lo lắng, băn khoăn. “Nếu tăng lương, lấy nguồn ở đâu để bố trí. Hơn nữa, tăng lương thì cán bộ, hưu trí mừng nhưng xã hội lại sợ giá tăng. Có tâm lý còn e ngại việc tăng lương và nói làm việc thế mà cũng tăng lương”- ông Việt bày tỏ và cho rằng nên tập trung trước mắt tăng ở đối tượng chính sách và quan trọng hơn là kiểm soát giá cả thị trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết bà ủng hộ phương án tăng lương mà Bộ Tài chính công bố nhưng cần có cách giải quyết dài hạn. Bà Mai phân tích cách làm hiện nay là nhìn vào con số bộ máy Nhà nước để quyết định lương hằng năm sẽ dẫn đến việc chây ì trong cải cách bộ máy hành chính. “Phải hướng tới tinh gọn bộ máy, có hiệu quả, hiện đại để giảm bớt khoản chi cho lương. Đặc biệt là chuyển dịch toàn bộ lương ở khu vực dịch vụ công chứ không theo kiểu cào bằng như hiện nay” – bà Mai đề nghị.
Cũng theo bà Mai, Nhà nước phải tiếp tục tăng lương cho khu vực hành chính để bảo đảm mức cơ bản sao cho người ta toàn tâm toàn ý trong công việc đóng góp cho Nhà nước. Còn khu vực dịch vụ công là khu vực có thu, hoạt động theo Luật Viên chức, Nhà nước đã có lộ trình tăng giá học phí, viện phí, tăng các dịch vụ công cơ bản rồi dùng cái đó để trả lương cho khu vực này. Từ đó, khu vực này tự chủ về nhân lực, về lương để hoạt động hiệu quả, chuyển dịch mạnh mẽ hơn. Khi đó hoàn toàn có thể lấy nguồn lương của khu vực này chuyển sang cho khu vực hành chính.
“Người dân không thể chấp nhận bộ máy Nhà nước cồng kềnh, dùng số ngân sách quá lớn để trả lương” - bà Mai nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng góp ý các bước sắp xếp tiền lương cho các khu vực cần theo lộ trình, tránh gây sốc, khi đó “miếng bánh” ngân sách còn nhỏ nhưng vẫn công bằng, được chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả hơn.
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) cũng kêu gọi tinh thần gương mẫu trong cả hệ thống chính trị nhằm tiết kiệm chi tiêu, coi đó là một phần trách nhiệm với dân, với nước. Nghẹn giọng kể lại câu chuyện các bệnh nhân ở một bệnh viện địa phương phải sống trong điều kiện khó khăn, chỉ dám ăn 2 bữa một ngày, bà Dung đề nghị nếu có tăng lương chỉ nên tập trung cho những đối tượng khó khăn.
Trước những ý kiến đóng góp của ĐB, trong phần phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần xem xét lại kế hoạch điều chỉnh lương trong năm 2013. “Ngân sách do QH quyết định, tôi đề nghị có lẽ chúng ta chưa thể tăng lương được. Dù thế nào chúng ta cũng phải tiết kiệm triệt để và dành phần tiết kiệm đó để chi cho các đối tượng khó khăn, số tiền này có thể không tới hai mươi mấy nghìn tỉ đồng để tăng lương như bộ trưởng tài chính đề xuất”- Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Lương tối thiểu chỉ bảo đảm 60% chi tiêu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết bộ này đã làm việc với đại diện người lao động và người sử dụng lao động về vấn đề tăng lương khối doanh nghiệp. “Người sử dụng lao động đồng ý tăng lương nhưng phản ánh là đang gặp khó khăn. Hiện mức lương tối thiểu chia làm 4 vùng; cao nhất 2 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất có hơn 1 triệu đồng là không đủ sống. Với quan điểm của cơ quan lập chính sách, chúng tôi thấy cần có lộ trình tăng ngay năm 2013 và chúng tôi đã đề xuất. Nhưng theo đề nghị của doanh nghiệp là phải được thông báo trước, từ tháng 10 hoặc tháng 11. Tuy nhiên, chia sẻ cho người sử dụng lao động nên mức đề xuất không phải đủ 100% như lộ trình từ ngày 1-1-2013 nhưng cố gắng khoảng 20%”- bà Chuyền nói và cho biết thêm là theo kết quả điều tra xã hội về mức sống của người lao động hiện nay, lương tối thiểu chỉ bảo đảm được 60% nhu cầu sống tối thiểu do giá cả tăng. |
Trả lời báo giới về việc lương tối thiểu tăng 100.000 đồng là không đủ bù đắp cho trượt giá, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền phân trần: “Tôi nghĩ là chưa đáp ứng được nhưng trong điều kiện thu chi ngân sách như thế thì đấy đã là một sự cố gắng rồi”. |
Thống đốc NHNN nhận lỗi về bất ổn thị trường vàng Giải trình trước QH về những bức xúc trong quản lý kinh doanh vàng miếng suốt thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nói: “Tôi xin thay mặt cho NHNN nhận trách nhiệm về việc không làm tốt thông tin truyền thông để phổ biến kịp thời những nội dung về chủ trương chính sách của Nhà nước trong vấn đề quản lý thị trường vàng. Do đó, còn nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác gây nên những cách hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường”. Sau phần xin lỗi, ông Bình khẳng định: “Không có chuyện bắt buộc chuyển đổi từ mác vàng miếng này sang vàng miếng khác. Các loại vàng miếng đã được cấp phép vẫn được lưu hành bình thường”. Phân trần về “sai sót” của mình, ông Bình cho biết từ ngày 25-5, tất cả các đơn vị dập vàng miếng, kể cả Công ty SJC, đều chấm dứt dập vàng miếng. Kể từ lúc đó, chỉ có NHNN thực hiện vai trò độc quyền Nhà nước được dập vàng miếng và NHNN chọn mác vàng SJC là mác vàng của NHNN. Thực tế, vàng SJC đến thời điểm hiện nay đã chiếm tới khoảng 93% - 95% thị phần vàng miếng toàn quốc. Để tránh xáo trộn trên thị trường vàng miếng cũng như chi phí phải dập lại, NHNN sử dụng luôn mác đó và độc quyền Nhà nước về mác đó chứ không có Công ty SJC nào được dập vàng miếng SJC nữa. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 24, kể từ sau ngày 25-4, tất cả các loại vàng miếng mà trước đây đã được cấp phép dập vàng miếng đều được phép lưu hành bình thường. Cũng theo ông Bình, nền kinh tế Việt Nam có khoảng từ 300 - 400 tấn vàng, tương đương 15-20 tỉ USD bị chôn chặt vào vàng. Mỗi khi giá vàng biến động làm ảnh hưởng đến tỉ giá thông qua hoạt động nhập khẩu lậu vàng gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và gián tiếp làm cho lạm phát tăng cao trong những năm qua, tạo ra sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Từ tháng 5 đến nay, hệ thống ngân hàng đã mua lại được 60 tấn vàng (khoảng 3 tỉ USD) từ nền kinh tế. Về nợ xấu, ông Bình cũng nhìn nhận trách nhiệm của hệ thống ngân hàng là trách nhiệm đầu tiên và yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mại phải dùng chính lợi nhuận để bù đắp cho nợ xấu. |
Bình luận (0)