Chiều 6-7, kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX đã diễn ra phiên bế mạc bằng việc thông qua nghị quyết về tờ trình của UBND TP. Đáng chú ý là các nghị quyết về vốn cho những dự án đầu tư công.
Cần có giải pháp đột phá
HĐND TP thống nhất thông qua tờ trình kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với nguồn vốn 171.895 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 21.895 tỉ đồng, vốn ngân sách TP là 150.000 tỉ đồng. HĐND TP yêu cầu UBND TP chỉ đạo các sở - ngành, quận - huyện, chủ đầu tư có liên quan thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, tiến độ giải ngân vốn kế hoạch của các dự án, tăng cường kiểm tra tính kỷ luật ngân sách trong lĩnh vực chi đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tráng lãng phí.
Theo UBND TP, nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng gần 50% bởi nhu cầu đầu tư bằng vốn ngân sách TP giai đoạn này là 326.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, HĐND TP cũng phê duyệt chủ trương đầu tư đối với danh mục 101 dự án nhóm B sử dụng ngân sách TP với tổng mức 27.087 tỉ đồng, thống nhất một dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP với tổng mức 1.491 tỉ đồng. "UBND TP phải ưu tiên đầu tư các dự án phục vụ 7 chương trình đột phá, các dự án kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật để phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí" - HĐND TP yêu cầu.
Các đại biểu HĐND TP HCM biểu quyết thông qua các nghị quyếtẢnh: Hoàng Triều
Cũng liên quan đến nguồn vốn cho TP phát triển, trong nghị quyết về kinh tế - văn hóa - xã hội, HĐND TP đề nghị UBND TP tập trung giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, có giải pháp đột phá để tăng huy động, khai thác các nguồn vốn xã hội hóa. Việc huy động vốn sẽ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị ven kênh rạch… "TP phấn đấu đến cuối năm 2017, triển khai các dự án đầu tư thuộc Vành đai 2, Vành đai 3 để đưa vào sử dụng toàn tuyến Vành đai 2 và một phần Vành đai 3 trước năm 2020; hoàn thành kế hoạch thi tuyển quốc tế phương án thiết kế quy hoạch tỉ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ; triển khai thiết kế đô thị tuyến Quốc lộ 1, trục cao tốc TP - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm và tuyến metro số 2; chỉnh trang đô thị dọc hai bên kênh rạch kết hợp với dự án cải thiện môi trường nước khu vực; cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cũ được xây dựng trước năm 1975" - HĐND TP nêu.
Lấy người dân làm trung tâm
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết HĐND TP thống nhất và đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trong 6 tháng đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, bà Tâm cũng chỉ ra kinh tế - xã hội còn một số hạn chế, yếu kém; thực hiện 7 chương trình đột phá còn chậm, những tác động đột phá cho sự phát triển của TP chưa rõ. Do đó, chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP tiếp tục đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành; chấn chỉnh tình trạng kỷ cương không nghiêm, phối hợp thiếu đồng bộ của bộ máy chính quyền. "Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, thiếu tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, gây phiền hà cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp. Đây là hạn chế kéo dài, cử tri bức xúc, HĐND đã chỉ ra nhiều lần nhưng kết quả khắc phục còn chậm" - bà Tâm nhấn mạnh. Bên cạnh đó, bà Tâm yêu cầu UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả; tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là vốn cho phát triển hạ tầng đồng bộ, hài hòa hợp lý giữa các lĩnh vực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, điều hành đầu tư công hiệu quả, tránh lãng phí, tham nhũng.
Để tăng trưởng kinh tế TP đạt 8,5%-8,7%, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng UBND TP cần cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách hành chính hiệu quả hơn; đặc biệt tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện để TP thực hiện hiệu quả Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị; tháo gỡ khó khăn, tạo động lực để TP phát triển đúng tiềm năng, vị trí của mình. Riêng đối với công tác lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, chủ tịch HĐND TP lưu ý triển khai phải đồng bộ, căn cơ; có kế hoạch toàn diện, mục tiêu cụ thể, lộ trình hợp lý; phân công cụ thể từng cấp, ngành, tổ chức gắn với trách nhiệm người đứng đầu; có tổ chức sơ kết hằng quý, hằng năm để đánh giá kết quả, cách làm, tạo sự đồng thuận xã hội. "Triển khai thực hiện phải kiên trì, nghiêm minh; lấy người dân làm trung tâm; để người dân cùng bàn kế hoạch, chính quyền điều hành, người dân thực hiện và giám sát thì mới bền vững" - bà Tâm nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm còn đề nghị các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP phối hợp tốt với HĐND các cấp giám sát việc thực hiện lời hứa của các đơn vị được chất vấn, giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND.
Tuyển giáo viên mầm non không có hộ khẩu TP
HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình về chính sách thu hút giáo viên mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non công lập hợp đồng được trả lương 3,75 triệu đồng/người/tháng; thời gian hưởng 9 tháng/năm. Đối với hợp đồng lao động theo công việc: nhân viên nuôi dưỡng được hỗ trợ tối thiểu 2 triệu đồng/người/tháng, ngân sách TP chi 1 triệu đồng, còn lại chi từ nguồn xã hội hóa; thời gian hưởng 9 tháng/năm. Đối với giáo viên mầm non, do tính chất công việc (không áp dụng đối với giáo viên hợp đồng), mức hỗ trợ là 650.000 đồng/người/tháng; thời gian hưởng 9 tháng/năm. Ngoài ra, hỗ trợ khuyến khích đối với giáo viên mầm non theo trình độ chuyên môn, cụ thể: thạc sĩ 1,5 triệu đồng/người/tháng, đại học 900.000 đồng/người/tháng, cao đẳng 550.000 đồng/người/tháng; thời gian hưởng 12 tháng. Đáng chú ý, nghị quyết đồng ý cho phép tuyển dụng giáo viên mầm non không có hộ khẩu tại TP. Thời gian thực hiện từ ngày 1-9-2017.
HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết miễn phí cho người từ 70 tuổi trở lên khi đi xe buýt (đối với những tuyến xe buýt có trợ giá) tại TP. Nguồn kinh phí trợ giá cho hoạt động xe buýt được UBND TP duyệt hằng năm cho Sở Giao thông Vận tải.
Đà Nẵng không bỏ rơi người nghèo
Ngày 6-7, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận và chất vấn.
Trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Bá Cảnh cho rằng chính sách miễn phí giữ xe ở bệnh viện rất nhân văn nhưng có nhiều người lợi dụng để gửi xe miễn phí. Đại biểu Cảnh đề xuất TP cần tính toán lại phương án để người nghèo vẫn hưởng lợi khi gửi xe ở bệnh viện. Tán đồng ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng - cho biết thời gian tới, TP sẽ tính toán phương án hợp lý để chính sách miễn phí giữ xe cho người nghèo vẫn được giữ nhưng người khá giả sẽ phải đóng phí. "TP sẽ không bỏ rơi người nghèo" - Bí thư Thành ủy khẳng định.
Trong phần trả lời chất vấn, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết thực tế nhiều công trình khách sạn khi thiết kế có bãi đỗ xe nhưng khi thi công lại không thực hiện hoặc chuyển sang mục đích khác. Sở Xây dựng đã tham mưu cho TP ra quyết định giao sở phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế.
Theo ông Hùng, trong công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng, nếu xây sai phép thì sẽ không tiến hành nghiệm thu, không công nhận tài sản và tháo dỡ công trình sai phạm. Ông Xuân Anh đề nghị Thanh tra Sở Xây dựng cần thanh - kiểm tra bãi đậu xe, công trình phục vụ công cộng của các khách sạn và nếu xử phạt không xong thì rút giấy phép.
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề về ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bốc mùi hôi thối nhưng nhiều năm nay TP không giải quyết được khiến người dân bức xúc. Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu, đề nghị TP trả lời rõ ràng khi nào thì di dời bãi rác Khánh Sơn để người dân thoát khỏi cảnh ô nhiễm. Ông Xuân Anh chỉ đạo đến năm 2019, TP phải giải quyết dứt điểm địa chỉ ô nhiễm này và giao các sở - ban - ngành liên quan nhanh chóng lên phương án để người dân thoát khỏi ô nhiễm. B.Vân
Bình luận (0)