Tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội ngày 5-7, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra đang chờ ý kiến của Bộ Công an để khởi tố sai phạm tại DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh, do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch HĐQT). Nguyên nhân là 12 dự án mà doanh nghiệp này triển khai ở Hà Nội đều có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm quy định về quản lý nhà ở.
Hàng loạt sự cố cháy nổ
Không chỉ nổi tiếng với các dự án "thương hiệu" giá rẻ và chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam, những công ty thuộc Tập đoàn Mường Thanh do ông Lê Thanh Thản sở hữu còn liên quan đến nhiều dự án từng xảy ra hàng loạt sự cố cháy nổ và nằm trong danh sách thanh tra.
Cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy tại chung cư CT4 khu đô thị Xa La (Hà Nội) Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Sự cố nghiêm trọng nhất là vụ cháy tại tòa nhà CT4A khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) xảy ra vào cuối năm 2015. Đám cháy bốc lên từ phía tầng hầm của tòa nhà CT4A, sau đó lan rộng theo đường dây điện, hộp kỹ thuật lên các tầng cao. Vụ cháy làm ít nhất 3 người ngạt khói được đưa đi cấp cứu và gần 300 xe máy thiêu rụi cùng nhiều thiệt hại khác về tài sản.
Kết luận vụ cháy, lãnh đạo Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết chủ đầu tư phớt lờ nhiều yêu cầu PCCC mặc dù CT4 Xa La đã được đưa vào hoạt động từ nhiều năm. Chủ đầu tư không chấp hành đầy đủ những quy định tối thiểu mà một tòa nhà cao tầng phải có.
Cũng trong năm 2015, hỏa hoạn đã xảy ra tại tòa nhà HH4A thuộc khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Để tiếp cận hiện trường vụ cháy, lực lượng cứu hỏa phải sử dụng nhiều xe thang, dùng búa phá cửa một số phòng để giải cứu những người mắc kẹt không thể di chuyển ra ngoài. Sau hơn 1 giờ nỗ lực, lực lượng đã đưa hơn 80 người từ vụ hỏa hoạn ra ngoài, trong số đó có nhiều người già và em nhỏ.
Tự chuyển đổi mục đích, xây vượt tầng
Không chỉ vi phạm trong công tác PCCC, cuối năm 2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố nhiều sai phạm tại dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại nhà ở cao cấp VP6 (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Cụ thể, theo quy hoạch được duyệt, tòa nhà cao 25 tầng + 2 tầng kỹ thuật + 3 tầng hầm nhưng chủ đầu tư đã xây thành 35 tầng + 1 tầng kỹ thuật + 1 tầng hầm, tổng cộng 37 tầng.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng nêu rõ từ tầng 2 - 9 của tòa nhà VP6 đã bị chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích từ dịch vụ thương mại, văn phòng thành căn hộ để bán.
Ở các tòa chung cư VP5 tại khu đô thị bán đảo hồ Linh Đàm và dự án chung cư Kim Văn - Kim Lũ, chủ đầu tư cũng xây vượt số tầng được duyệt. Các tầng xây vượt đều chia thành căn hộ bán, hiện người dân đã dọn về sinh sống...
Tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ có tổ hợp 4 tòa nhà cao từ 39 - 45 tầng, mỗi tầng 24 căn hộ. Tại đây có hơn 11.000 người đang sinh sống dẫn tới quá tải về hạ tầng tiện ích, nơi đỗ xe... Hạ tầng không bảo đảm chất lượng, trong khi số lượng cư dân sinh sống lớn khiến nhiều tiện ích của các dự án này quá tải.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa hè xảy ra phổ biến tại chung cư Đại Thanh, VP3 Linh Đàm... nhiều năm nay khiến cư dân nhiều lần căng băng rôn để gây sức ép với chủ đầu tư.
Bất chấp quyết định đình chỉ
Tại Nghệ An, năm 2016, mặc dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng công trình tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Cửa Đông (phường Hưng Dũng, TP Vinh) vẫn triển khai thi công. Chính quyền và các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính và có quyết định tạm đình chỉ nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn phớt lờ gây bức xúc dư luận.
Trước đó, năm 2013, dù chưa có giấy phép xây dựng nhưng dự án khách sạn Mường Thanh Cửa Lò cao 25 tầng (thị xã Cửa Lò) vẫn được chủ đầu tư triển khai xây dựng, bất chấp sự đình chỉ của các cơ quan chức năng.
Cũng tại Nghệ An, năm 2015, mặc dù chưa được cấp phép bán vé tham quan vào khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) nhưng cơ sở này vẫn cho người vào tham quan, hệ quả là một du khách bị hổ cắn đứt lìa tay.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Thanh tra đô thị TP Vinh, cho biết: "Khi phát hiện sai phạm của dự án thuộc Tập đoàn Mường Thanh, chúng tôi đã kiểm tra và lập biên bản phối hợp Phòng Quản lý đô thị TP Vinh xử lý".
Không hợp thức hóa cho các sai phạm
Dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà (do DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư) tại TP Đà Nẵng đã xây 104 căn hộ trái phép. Công trình được cấp phép với quy mô 42 tầng và 2 tầng hầm; từ tầng 2 đến tầng 5 xây dựng bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi… Tuy nhiên, chủ đầu tư đã "phù phép" 4 tầng này thành 104 căn hộ.
Ngày 26-9-2016, Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với chủ đầu tư vì hành vi trên và yêu cầu ngừng thi công phần công trình vi phạm.
Ngày 6-7, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết công an đã làm việc với sở nên hiện không thể cung cấp thông tin. Trong khi đó, đại tá Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết vẫn chưa nhận được công văn nào của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về việc xử lý các sai phạm tại dự án này. Ông Hải cũng khẳng định công an sẵn sàng vào cuộc nếu nhận được đề nghị trực tiếp từ các cơ quan chức năng.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng sẽ không hợp thức hóa cho các sai phạm tại dự án này và không cấp sổ đỏ cho những căn hộ không phép. Nếu chủ đầu tư không tìm được đất xây dựng nhà trẻ, chỗ để xe tại dự án thì sẽ phải đập bỏ công trình sai phạm theo quy định của pháp luật.
B.Vân
GÓC NHÌN
Đừng để người dân mất niềm tin
Thông tin cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án về những sai phạm ở các dự án xây dựng tại Hà Nội của Tập đoàn Mường Thanh khiến dư luận cả nước "nóng" lên trong những ngày qua.
Thật ra, việc "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản phải đối mặt với pháp luật là chuyện tất nhiên. Bởi từ nhiều năm qua, DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên liên tục có những sai phạm trong xây dựng tại các dự án lớn từ Nam chí Bắc. Nếu không quá lời, hầu như vùng miền nào của cả nước cũng đều có công trình xây dựng sai phạm của tập đoàn này. Đơn cử như tại Đà Nẵng, DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên xây dựng trái phép 104 căn hộ. Khi bị phát hiện thì các cơ quan chức năng ở TP Đà Nẵng lại đồng ý chủ trương cho điều chỉnh công năng. Hay như tại Khánh Hòa, dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh liên tục có nhiều sai phạm nghiêm trọng như xây dựng sai phép, lấn chiếm trên 1.000 m2 đất công, xây vượt tầng phá vỡ đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt... Tuy vậy thay vì nhanh chóng xử nghiêm theo quy định của pháp luật thì các cơ quan hữu trách địa phương lại… "lần khần" trong thời gian dài; thậm chí "chữa cháy" bằng cách cho tập đoàn này thuê bổ sung đối với phần đất lấn chiếm...
Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao người dân vừa đổ một xe cát và vài bao xi măng để sửa căn nhà đã hư hỏng nặng nhưng chưa xin phép thì lập tức thanh tra xây dựng, đội quản lý đô thị có mặt ngay để xử phạt. Thậm chí, những nông dân nghèo cất cái nhà vài chục mét vuông trong vườn rẫy để có chỗ "chui ra chui vào" cũng bị lập biên bản vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Trong khi đó, lực lượng này ở đâu, làm gì mà không hay biết những khách sạn đồ sộ hàng ngàn tỉ đồng được tập đoàn Mường Thanh xây dựng không phép hoặc cố tình có những vi phạm giữa thanh thiên bạch nhật?
Sai phạm rồi có nơi được hợp thức hóa những sai phạm ấy. Hóa ra các cơ quan quản lý nhà nước hiện hữu là để hợp thức hóa việc xem thường pháp luật của những "ông chủ lớn, lắm tiền nhiều của"!?
Sai phạm của DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên là chuỗi sai phạm có hệ thống, thể hiện sự coi thường kỷ cương phép nước. Phải chăng chuỗi sai phạm này có ngọn nguồn từ sự quản lý yếu kém, buông lỏng, thiếu quyết liệt; thậm chí không loại trừ khả năng "thỏa hiệp" của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Bây giờ, DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên mới đối mặt với pháp luật, có thể là chậm nhưng chưa hẳn là quá muộn. Đừng để người dân hoài nghi và mất niềm tin vào công lý!
Lê Trường
Bình luận (0)