“Vì sao khắc phục những khiếm khuyết mà mất gần 4 tháng?” - chúng tôi đặt vấn đề. Ông Bùi Công Trùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tàu cao tốc Vina (gọi tắt là hãng tàu Vina Express), giải thích: “Gần như phải làm mới toàn bộ, chỉ mỗi việc “tút” lại vỏ tàu cũng mất khá nhiều thời gian, chưa kể mọi thứ phải chỉn chu từng chi tiết. Mục đích của chúng tôi là làm sao bảo đảm an toàn tuyệt đối, lấy lại lòng tin của khách”.
Siết phòng cháy, chữa cháy
Theo ông Trùng, hơn 3 tháng qua, Vina Express đã tập trung nhân lực và kinh phí, dưới sự theo dõi và kiểm tra chặt chẽ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Chi cục Đăng kiểm 6, tiến hành nâng cấp, hiện đại hóa về kỹ thuật và nội thất tàu.
Việc sửa chữa và nâng cấp toàn bộ phần thân, vỏ tàu mất hơn 2 tháng do vỏ cũ mỏng dễ bị ăn mòn nên thay vỏ mới phải làm sao đạt chứng chỉ CU, CQ - tức phải ăn khớp với chất lượng, vật liệu của vỏ cũ thì ngành đăng kiểm mới chứng nhận. Riêng máy tàu, dù là của Mỹ được thay cho máy Liên Xô cũ nhưng công ty vẫn mời nhà sản xuất bảo dưỡng lại... Những con tàu như khoác thêm áo mới bởi trang thiết bị, nội thất và kính cũng được thay.
Khách tham quan con tàu mới sửa chữa chiều 21-12
Ông Bùi Công Trùng cho biết trong lần sửa chữa khiếm khuyết này, Vina Express tập trung nhiều nhất cho khâu phòng cháy, chữa cháy (PCCC). “Chúng tôi đã cho làm lại hệ thống điện, lắp đặt thêm thiết bị PCCC trong tàu và buồng máy. Ngoài ra, chúng tôi còn gắn 5 camera trong khoang hành khách và hầm máy; lắp đặt hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động; trang bị quần áo chống cháy, mặt nạ phòng độc cho hành khách… Vách chống cháy cho hầm máy thiết kế theo tiêu chuẩn A 60 - tức chịu cháy được 60 phút. Hơn 30 nhân viên cũng được tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố mỗi tuần, mỗi tháng” - ông Trùng nói.
Ông Trùng cho hay nếu không có gì trở ngại về việc đăng ký bến bãi, dự kiến ngày 23-12, tàu cánh ngầm sẽ hoạt động lại. Đến nay, 2 tàu Vina Express 2 và Vina Express 8 đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở Cảnh sát PCCC TP HCM và đã được các cơ quan này cấp giấy thông hành. “Cố gắng trước Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ đưa thêm tàu Vina Express 3 vào hoạt động sau khi sửa chữa xong” - ông Trùng .
Riêng hãng tàu Petro Express (Công ty TNHH Vận tải Quang Hưng) hiện chưa thể đưa tàu vào hoạt động ngay bởi còn sửa chữa. Tuy nhiên, công ty này cũng đang chạy nước rút để đưa 3 tàu vào hoạt động trước Tết Nguyên đán.
Chạy 8 chuyến/ngày
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP HCM - đơn vị được Sở GTVT TP giao kiểm tra các điều kiện an toàn để cấp phép ra vào bến cho tàu cánh ngầm, cho biết: Về mặt kỹ thuật thì hãng tàu Vina Express đã ổn. Tuy nhiên, Cảng vụ Đường thủy nội địa TP HCM còn phải thống nhất lịch chạy tàu giữa TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để trình Sở GTVT xem xét, cố gắng sớm nhất để tàu hoạt động lại.
Đề cập vấn đề an toàn, ông Tuấn cho rằng muốn hoạt động lại, tàu cánh ngầm phải bảo đảm 4 yếu tố: Một là, đầy đủ các điều kiện tối thiểu như giấy đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên. Hai là, bảo đảm an toàn kỹ thuật và phải được Cục Đăng kiểm thông qua. Ba là, bảo đảm an toàn PCCC. Bốn là, bảo đảm an toàn bến bãi. Nhìn chung, các tiêu chuẩn cao hơn trước.
Do trước mắt chỉ có 2 chiếc sửa chữa xong nên mỗi ngày tàu chạy 8 chuyến (4 chuyến ra, 4 chuyến vào), thời gian giãn cách là 2 giờ và khởi hành từ 7 giờ. Riêng thứ bảy và chủ nhật tăng lên 12 chuyến (6 chuyến ra, 6 chuyến vào). Để thu hút hành khách, Vina Express giảm 50% giá vé từ ngày 23 đến 28-12. Ngoài ra, giá vé giữ nguyên như cũ là 200.000 đồng/lượt (ngày thường), 250.000 đồng/lượt (thứ bảy, chủ nhật). Bên cạnh đó, theo quy định mới của Bộ GTVT, khách đi tàu phải có giấy tờ tùy thân đúng với tên đã đăng ký khi mua vé...
“Số chuyến giảm chỉ còn khoảng hơn 30% so với trước do số tàu giảm mạnh, tuy không thuận lợi cho hành khách nhưng hy vọng với nỗ lực của chúng tôi, khách hàng sẽ thông cảm” - đại diện hãng tàu Petro Express bày tỏ.
Bị dừng hoạt động 11 tháng
Sau sự cố tàu cánh ngầm Vina Express 01 của hãng Vina Express cháy rụi chiều 20-1 khiến hơn 90 hành khách thoát chết tại khu vực phao số 66 sông Sài Gòn (thuộc địa phận quận 7, TP HCM), theo chỉ đạo của UBND TP, ngày 22-1, các hãng tàu cánh ngầm chính thức dừng hoạt động để khắc phục các khiếm khuyết theo yêu cầu của đoàn kiểm tra Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Sau nhiều lần kiểm tra, ngày 27-11, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp theo chỉ đạo của bộ trưởng để báo cáo kết quả hoàn thiện tàu và giải quyết cho tàu hoạt động trở lại. Ngày 5-12, Bộ GTVT có văn bản số 15534/BGTVT-ATGT do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể ký “cho phép tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động trở lại”. Ngày 10-12, UBND TP HCM cũng có văn bản “cho phép tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động trở lại trên địa bàn TP”. Ngày 17-12, Sở GTVT
TP HCM đã ra văn bản chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa TP HCM làm thủ tục xuất bến cho các tàu cao tốc cánh ngầm đã đủ điều kiện hoạt động.
Bình luận (0)