“Để phát triển bền vững nghề khai thác hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ, việc có tàu lớn, công suất mạnh là chưa đủ. Điều cần thiết hiện nay là phải tổ chức lại nghề cá, phải có sự đầu tư thỏa đáng tạo thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh...” - TS Tạ Quang Ngọc, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản, nhấn mạnh.
Tổ chức rời rạc
TS Tạ Quang Ngọc cho rằng vấn đề tồn tại và có thể xem là yếu kém nhất của ngành khai thác hải sản Việt Nam hiện nay, nhất là trong đánh bắt xa bờ, không phải thiếu tàu lớn mà là do cách thức tổ chức rời rạc.
Từ năm 2015 đến 2020, hầu hết tàu cá của Việt Nam sẽ phải giải bản (thải loại) do xuống cấp và hư hỏng bởi phần lớn được đóng vào cuối những năm 1990. Cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược phát triển nghề cá nhưng TS Tạ Quang Ngọc thận trọng: “Con tàu chỉ là phương tiện và việc có tàu lớn chỉ là điều kiện cần. Bởi chỉ vài con tàu lớn thì dễ tiêu thụ sản phẩm, dễ sửa chữa khi hư hỏng nhưng cả ngàn, cả vạn chiếc ra đời thì đây sẽ là vấn đề không đơn giản. Thậm chí, nếu phong trào mạnh đến mức mất kiểm soát thì hậu quả để lại rất kinh khủng”.
Do tổ chức đánh bắt chưa tốt, khi gặp khó khăn vì Trung Quốc ngừng thu mua, nhiều tàu câu mực ở Đà Nẵng đành nằm bờ. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Cùng quan điểm này, ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, nhìn nhận: “Không phải có tàu to, lưới lớn là đủ mà cần phải có hệ thống khép kín từ bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm giá trị gia tăng sau thu hoạch”.
Gắn khai thác với bảo vệ chủ quyền
Luật Thủy sản có 3 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động nghề cá, đó là: “Sản xuất trên biển theo hướng bền vững; phòng chống thiên tai; bảo vệ chủ quyền”. TS Tạ Quang Ngọc cho rằng theo các nguyên tắc trên, cần tổ chức nghề cá theo 2 hướng: Đi vào sản xuất quy mô lớn và đi vào quy mô nhỏ phù hợp với nghề cá sản xuất đa loài phân tán của Việt Nam. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Hướng nào chưa rõ nhưng trước hết, việc tổ chức sản xuất trên biển phải tốt, có hiệu quả thì mới có sức tham gia phòng chống thiên tai và bảo vệ chủ quyền”.
Chọn mô hình phù hợp
Theo Đề án Tổ chức lại khai thác hải sản đang được Bộ NN-PTNT dự thảo, việc xây dựng và phát triển phương thức tổ chức quản lý khai thác là vấn đề cấp thiết.
Đồng tình với nội dung quan trọng này, TS Tạ Quang Ngọc cho rằng chúng ta phải nhanh chóng tìm ra mô hình tổ chức sản xuất đánh bắt hải sản rồi mới tính chuyện phát triển đội tàu, đầu tư đồng loạt tàu cá công suất lớn. TS Tạ Quang Ngọc đưa ra bài học kinh nghiệm trong quá khứ, từ sự lúng túng trong lựa chọn phương thức sản xuất mà ngư dân Việt Nam nhiều năm qua rơi vào vòng luẩn quẩn “ra ra, vào vào”. Tức là khi thuận lợi thì kéo nhau đi đánh bắt xa, còn lúc khó khăn như giá dầu cao thì lại co cụm nằm bờ.
TS Tạ Quang Ngọc cho rằng mấy năm gần đây, ngư dân hợp nhau lại thành mô hình tổ đội sản xuất, tổ đoàn kết. Mới đây nhất, Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động mô hình nghiệp đoàn nghề cá. Đây là một hướng đi tốt nhưng vẫn đơn thuần là tổ chức xã hội nghề nghiệp mà không phải là đơn vị sản xuất. “Do vậy, cách tốt nhất vẫn là mô hình hợp tác xã và Nhà nước phải nghiên cứu rút ra một mô hình hợp tác xã nghề cá phù hợp nhất” - ông nhìn nhận.
Đã có mô hình thành công TS Tạ Quang Ngọc cho biết cách đây 10 năm, tập đoàn đánh cá ở xã Lập Lễ (Thủy Nguyên - Hải Phòng) đã rất thành công với đội tàu đánh cá 600-700 chiếc hoạt động gắn kết với đội hậu cần hùng hậu. Ngoài ra, còn có những làng cá rất thành công ở Long Hải, Phước Tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu), An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang) hay mô hình tàu mẹ, tàu con ở Khánh Hòa, các nghiệp đoàn mới được thành lập ở Quảng Ngãi… Do vậy, theo TS Ngọc, các cơ quan nghiên cứu, Nhà nước phải tổng kết, đúc rút kinh nghiệm để tạo ra mô hình hữu hiệu. |
Bình luận (0)