Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại buổi công bố kết quả thẩm định tàu vỏ thép hư hỏng trên địa bàn chiều 26-6, UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khởi kiện ra tòa, đồng thời yêu cầu Công an tỉnh điều tra cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (trụ sở tỉnh Nam Định). Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc thắc mắc, cho rằng trong số 18 tàu vỏ thép hư hỏng, 13 chiếc do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở TP Hải Phòng, thuộc Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an) đóng, 5 chiếc còn lại do Công ty Đại Nguyên Dương đóng. Vậy số tàu hư hỏng của Công ty Nam Triệu nhiều hơn nhưng tại sao đơn vị này không bị yêu cầu xử lý mà chỉ xử lý Công ty Đại Nguyên Dương? Phải chăng do Công ty Nam Triệu thuộc Bộ Công an nên có sự nể nang, ưu ái?
Nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa đóng mới đã gỉ sét, hư hỏng
Để làm rõ vấn đề trên, sáng 27-6, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Theo ông Châu, cách đây hơn nửa tháng, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra cả 2 cơ sở đóng tàu là Công ty Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, lãnh đạo Công ty Nam Triệu thường xuyên hợp tác với tỉnh trong việc thẩm định cũng như tham dự đầy đủ các cuộc họp để làm rõ những vấn đề đúng, sai trong hợp đồng đóng tàu. Qua đó, Công ty Nam Triệu đã nhận ra những cái sai của mình và có chiều hướng khắc phục tốt nên tỉnh không đề nghị ngư dân khởi kiện cơ sở đóng tàu này.
Các đại biểu tham dự cuộc họp công bố kết quả thẩm định tàu vỏ thép vào chiều 26-2 do UBND tỉnh Bình Định tổ chức đều thống nhất đề nghị khởi kiện, điều tra Công ty Đại Nguyên Dương
"Trong khi đó, thời gian qua, Công ty Đại Nguyên Dương lại tỏ ra bất hợp tác với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Rất nhiều lần, địa phương mời cơ sở đóng tàu này đến làm việc cũng như tham dự các cuộc họp nhưng Công ty Đại Nguyên Dương đều né tránh trách nhiệm. Đây cũng là lý do UBND tỉnh Bình Định đề nghị ngư dân khẩn trương khởi kiện và Công an tỉnh sớm điều tra Công ty Đại Nguyên Dương để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân. Còn Công ty Nam Triệu có tinh thần cầu thị, hợp tác tốt nên tạo điều kiện cho họ khắc phục rồi tính sau", ông Châu nói.
Trước đó, tại buổi công bố kết luận chính thức về chất lượng 17/18 tàu vỏ thép hư hỏng (1 tàu ngư dân đang đánh bắt xa bờ chưa về) cho thấy 12 tàu có phần vỏ bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư cụ và các thành phẩm. Trong đó, 5 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bằng thép Trung Quốc bị gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm. Dù đóng bằng thép Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa công ty và ngư dân thì ghi là thép Hàn Quốc. Trên cơ sở này, Công ty Đại Nguyên Dương đã áp giá thép Hàn Quốc để tính tiền cho ngư dân. Ngoài ra, có 8 vỏ tàu được đóng bằng loại thép không đạt quy chuẩn, trong đó 3 tàu do Công ty Đại Nguyên Dương đóng và 5 tàu do Công ty Nam Triệu đóng.
Chuyên gia thẩm định tàu vỏ thép ở Bình Định bị hư hỏng
Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và đối chiếu các hồ sơ, 9 máy chính hiệu Mitsubishi (Nhật Bản) ráp trên 9 tàu do Công ty Nam Triệu đóng không phải là máy thủy chính hãng. Giải thích về việc "máy dỏm" này, ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, cho rằng các máy trên do công ty ông ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (trụ sở TP HCM) cung cấp.
"Tuy nhiên, do Công ty Nam Triệu là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng đóng tàu trọn gói với ngư dân nên trước mắt chúng tôi chịu trách nhiệm thay toàn bộ máy thủy mới 100% chính hãng Mitsubishi cho tàu sớm ra khơi. Còn việc giữa công ty chúng tôi và đơn vị Hoàng Gia Phát sẽ có cách xử lý sau", ông Hùng nói.
Bình luận (0)