Tại hội nghị trực tuyến đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức sáng 11-3, lãnh đạo Hiệp hội Taxi TP HCM đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT chấm dứt hoạt động của taxi Uber tại Việt Nam cho đến khi chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Không minh bạch
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM, cho biết mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo làm rõ tính pháp lý của loại hình taxi Uber, yêu cầu xe hoạt động trong mạng lưới này phải bảo đảm quy định vận tải khách nhưng trên thực tế, taxi Uber vẫn hoạt động không minh bạch.
Theo ông Hỷ, Công ty Uber Việt Nam được cấp phép hoạt động ngành nghề tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường nhưng doanh nghiệp này lại đang điều hành mạng lưới vận tải với hàng ngàn tài xế tại TP HCM. “Mạng lưới vận tải do Uber điều hành thực chất là taxi “dù” với nhiều sai phạm như không đồng hồ, không giá cước, không chứng minh được xe kinh doanh vận tải… Vì vậy, Bộ GTVT cần chấm dứt hoạt động của taxi Uber tại Việt Nam cho đến khi chấp hành đúng quy định của pháp luật” - ông Hỷ nhấn mạnh.
Theo ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cơ quan này đã tổ chức thanh tra các hoạt động của taxi Uber tại TP HCM từ tháng 1-2015 và có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ GTVT. “Sắp tới, lãnh đạo bộ sẽ làm việc với Uber để có giải pháp cho phương thức vận tải này tại Việt Nam” - ông Hà cho biết.
Ngồi nhà vẫn... khám được sức khỏe
Tại hội nghị này, liên quan đến quy định khám sức khỏe cho tài xế, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô tỉnh Điện Biên, cho rằng quy định dù mới ban hành nhưng đã lạc hậu, sự phối hợp giữa ngành y tế với ngành GTVT còn lỏng lẻo. “Tài xế ở nhà cũng khám được sức khỏe, một người đi khám cho nhiều người. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể mua thoải mái giấy khám sức khỏe cho tài xế với giá rẻ” - ông Mạnh dẫn chứng.
Về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông Mạnh nhận định vẫn chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng và bộc lộ rất nhiều bất cập. “Tôi tin rất nhiều doanh nghiệp ngồi đây biết nhưng không nói. Việc ngắt thiết bị GPS đối với các doanh nghiệp là thường xuyên. Vì vậy, căn cứ vào thiết bị GPS để kiểm soát thời gian làm việc của tài xế và tốc độ chạy xe đã không được phản ánh đúng” - ông Mạnh thẳng thắn.
Ông Lê Thanh Hà thừa nhận thời gian qua, thanh tra GTVT phát hiện rất nhiều giấy khám sức khỏe giả và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Năm 2014, Bộ GTVT đã yêu cầu các sở GTVT tổ chức khám sức khỏe cho tài xế của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Kết quả, phát hiện 526 tài xế nghiện ma túy và 1.500 trường hợp không đủ sức khỏe.
Bình luận (0)