xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TÂY TIẾN OAI HÙNG (*): Những người lính hào hoa

Văn Duẩn - Phú Cương - Thanh Tuấn

Đội quân Tây Tiến thuở ban đầu hầu hết đều là những chàng trai Hà thành trẻ trung, phơi phới yêu đời, chưa từng nếm trải gian khổ

Đoàn quân Tây Tiến hội đủ các anh tài ở nhiều lĩnh vực. Từ huyền thoại bắn tỉa Tạ Đình Đề với "bách phát bách trúng" cho đến thi sĩ tài năng Quang Dũng với bài thơ "Tây Tiến", "Đôi mắt người Sơn Tây" nổi tiếng; họa sĩ - liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Như Trang; nhạc sĩ Doãn Quang Khải với ca khúc "Vì nhân dân quên mình"; họa sĩ Quang Thọ với tác phẩm tiêu biểu "Đứa con đầu lòng"; "Nuôi giấu thương binh"...

Đội quân nhiều "không"

Ngày 1-2-1947, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư gửi các chiến sĩ Tây Tiến.

Bức thư có đoạn: "Hôm nay, các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ tiến về hướng Tây… Tôi viết thư này cho tất cả các đồng chí, người hiện đã ở tiền tuyến miền Tây cũng như người vừa nhận được lệnh lên đường... Trên con đường về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một người… Chỉ một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở. Nhưng sự hiểm nghèo, khổ sở có bao giờ chinh phục được lòng anh dũng của những thanh niên hăng hái, có bao giờ chinh phục được chí hướng của một dân tộc...".

TÂY TIẾN OAI HÙNG (*): Những người lính hào hoa - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng các cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến năm 2006 Ảnh: TƯ LIỆU BAN LIÊN LẠC CỰU CHIẾN BINH TRUNG ĐOÀN 52 TÂY TIẾN

Là một trong 160 thành viên đầu tiên của Đội Võ trang trinh sát miền Tây, tiền thân của Trung đoàn 52 Tây Tiến sau này, ông Nguyễn Xuân Sâm kể rằng đồng đội của ông là những chàng trai Hà Nội trẻ trung, phơi phới yêu đời.

Ngày lên đường, đội quân thiếu thốn trăm bề: Không thuốc men, không lương thực, không tiền bạc, không biết tiếng dân tộc. Y tá đi theo đoàn không có cả kim tiêm. "Thời đó có gì đâu. Cứ tay không mà lên đường. Bản thân tôi chỉ một chiếc áo sơ mi và 2 quần soóc" - ông Sâm kể.

Còn chàng thiếu niên ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên Giang Hồng Phúc khi ấy mới 14 tuổi, cũng hăng hái tham gia cách mạng. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ đêm 19-12-1946, ông tham gia đại đội tự vệ phố Khâm Thiên đánh giặc với vai trò liên lạc. Đầu tháng 5-1947, sau khi có lệnh yêu cầu rút khỏi thủ đô, đơn vị của ông sáp nhập vào Tiểu đoàn 164, Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi hành quân lên Hòa Bình.

Đó là một chiều đầu tháng 5-1947. Hành trang lên Tây Bắc của những người lính Tây Tiến có đủ các loại súng Tây, súng ta, súng Tàu, súng Nhật. Người mặc quần tây, quần ta, quần dài, quần soóc…; chân thì anh đi giày, anh đi dép, thậm chí là chân đất. Cả đoàn quân lặng lẽ lên đường. Mặt ai cũng sạm đi vì khói súng trong các trận chiến trước đó ít hôm.

Sau 4 ngày hành quân, đơn vị đến huyện Lạc Sơn. Nghỉ được 3-4 ngày, Pháp bắt đầu tấn công Hòa Bình, đơn vị của ông được lệnh lên khu vực dốc Cun chặn đánh địch, không cho chúng tấn công vào Cao Phong. Các chàng trai Hà Nội lần đầu tiên lên rừng, đêm nằm phục kích bị muỗi, vắt đốt phải cắn răng chịu đựng, chẳng dám kêu. Trận đánh đó, bên cạnh tiêu hao sinh lực địch thì đại đội trưởng của ông Phúc đã anh dũng hy sinh và được đồng đội chôn ngay tại trận địa.

Những ngày đầu chiến đấu trên đất Hòa Bình, những chàng trai trước đó chưa từng biết đến gian khổ, đang sống ở thủ đô có điện đèn, nước máy, nay phải sống ở thâm sơn cùng cốc với bao bỡ ngỡ. "Uống thì làm gì có nước đun sôi, toàn nước suối. Sau khoảng 2-3 tháng thì bị ngã nước và sốt rét. Trên đất Châu Trang, Lạc Sơn, hơn 200 chiến sĩ Tây Tiến đã hy sinh" - ông Phúc bùi ngùi.

Sau Tây Tiến, ông Phúc tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Sơn Bình cho đến năm 1984 nghỉ hưu với chức vụ trưởng ban tác huấn, quân hàm thiếu tá. Hiện ông Phúc đã 86 tuổi và cư ngụ ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

"Chúng mày ơi, toàn nhà sư đi bộ đội"

Trước khi gia nhập Trung đoàn 52 Tây Tiến, đại tá Trần Quốc Chí là công nhân nhà máy đúc tiền Hà Nội. Sáng 19-12-1946, khi nhà máy đã di chuyển vào Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Trần Quốc Chí quyết ở lại bảo vệ nhà máy rồi nhập ngũ, vào Tiểu đoàn 212. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô, đơn vị ông được lệnh rút ra khỏi Hà Nội, gia nhập đoàn quân Tây Tiến, hành quân lên Tây Bắc. Khi ấy ông vừa tròn 17 tuổi.

Lên đến Mộc Châu (Sơn La), qua Pa Háng, đơn vị ông tham gia đánh Pháp dọc sông Mã với những trận Chiềng Cồng, Sốp Hào... Đến tháng 10-1947, ông rời Tây Tiến về Trường Thiếu sinh quân học văn hóa trong 6 tháng. Sau này, vì yêu cầu nhiệm vụ, ông lại được cử ra trận.

Thời kỳ đầu gian khổ quá, sốt rét rừng, chấy rận đã khiến cả đoàn quân Tây Tiến dường như đều rụng tóc hoặc cạo trọc đầu. "Khi tham dự thao diễn luyện quân, chúng tôi gần như chả có gì. Toàn đầu trọc. Đến nỗi các chị em cứ đấm lưng nhau, khúc khích cười nói: "Chúng mày ơi, toàn nhà sư đi bộ đội!". Có cô còn trêu "Các anh ơi! Đi bộ đội xong, nay mai lên chùa ăn oản nhé!".

Với những người lính Tây Tiến, câu thơ "gục lên súng mũ bỏ quên đời" trong bài thơ "Tây Tiến" là hình ảnh đầy ám ảnh. Những đồng đội đang hành quân rồi hy sinh "chẳng có gì mà đào mộ, toàn đá và đá tai mèo. Chúng tôi ngậm ngùi để đồng đội nằm ở bên đường, cả đoàn quân đi, mỗi người đi qua nhặt một viên đá đặt lên người đồng đội. Hết đoàn quân, cũng là lúc đá phủ kín người đồng đội và thành nấm mộ" - ông Chí rưng rưng kể.

Ở tuổi 89, đại tá Nguyễn Hoàng Sâm, cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến, còn khá minh mẫn dù không đi lại được nhiều do hai đầu gối bị đau nặng. Cuối năm 1947, ông gia nhập Tiểu đoàn 150 Tây Tiến lên Tây Bắc chiến đấu. Tiểu đoàn của ông từ Hòa Bình qua Mường Lát, do ông Tuấn Sơn chỉ huy, tiêu diệt quân Pháp ở Chiềng Cồng, rồi vượt qua Mường Lát đánh tan đồn Sốp Hào tiến sang Sầm Nưa (Lào).

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông Hoàng Sâm suýt chết ở Châu Trang. Khi đó là mùa thu 1947, ông bị sốt rét nặng, phải đưa sang nhà chờ chết. Thế mà người cựu binh Tây Tiến ấy đã liên tục công tác trong quân ngũ cho đến năm 1984 mới nghỉ hưu với quân hàm đại tá. Sau đó, ông tham gia công tác ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, nơi ông cư trú cho mãi đến năm 2012 mới chính thức "nghỉ hưu" lần 2.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-7

Kỳ tới: Khoảng lặng ở Châu Trang

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo